UBND tỉnh Quảng Nam vừa phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 cho các huyện để hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của tỉnh. Theo đó nguồn vốn hỗ trợ là 15 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất...
Ảnh minh họa.
Các cụm công nghiệp được nhận nguồn vốn gồm: Cụm công nghiệp Tài Đa thuộc huyện Tiên Phước, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các hạng mục đầu tư bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao thông nội bộ, san nền, hệ thống thoát nước, cây xanh cách ly, cây xanh cảnh quan.
Hỗ trợ đầu tư Cụm công nghiệp tinh dầu quế huyện Bắc Trà My đầu tư các hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng, giao thông, san nền, hệ thống thoát nước, cấp nước. Hỗ trợ đầu tư Cụm công nghiệp Việt An, huyện Hiệp Đức đầu tư các hạng mục bồi thường - giải phóng mặt bằng, xây dựng đường nội bộ, san nền, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống cấp nước, phòng cháy chữa cháy, cấp điện.
Đối với Cụm công nghiệp Đông Phú tại huyện Đại Lộc do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tây Đà Nẵng là nhà đầu tư nên ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện, kinh phí hỗ trợ được sử dụng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với 04 cụm công nghiệp trên được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ được thực hiện theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh. Các cụm công nghiệp được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt hoặc cho phép bổ sung trong từng thời kỳ, cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, cụm công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có diện tích từ 5 ha trở lên tại địa bàn các huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước. Hỗ trợ mỗi huyện miền núi tối đa 2 cụm công nghiệp và chỉ hỗ trợ cụm công nghiệp thứ hai sau khi cụm công nghiệp thứ nhất lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp.
Được biết trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hỗ trợ nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ ngân sách trung ương và địa phương. Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu gồm bồi thường, giải phóng và san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước nội bộ, hệ thống các công trình xử lý nước thải, nước thải tập trung.
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh thì việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong thời gian qua còn dàn trải, hỗ trợ đầu tư không theo thứ tự ưu tiên từng hạng mục thực sự cần thiết, nhiều hạng mục đầu tư xong không kết nối, khai thác sử dụng nên gây lãng phí về nguồn lực ngân sách. Về hình thức cấp vốn hỗ trợ chưa được quy định cụ thể, chưa có quy định về cách vận hành và thu phí sử dụng hạ tầng dùng chung.
Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm, nhiều doanh nghiệp thứ cấp được cấp đất nhưng chưa sử dụng hết đất, sử dụng đất không hiệu quả gây lãng phí. Đối với việc quản lý các cụm công nghiệp, việc tồn tại các mô hình cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng chưa phù hợp với cơ chế vận hành, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cụm công nghiệp, nhiều đầu mối quản lý khiến việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.
Theo Thanh Xuân
VnEconomy
0 Bình luận
Gửi bình luận