Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam năm 2022: “Sinh tồn"

10:06 13/01/2023

Nền kinh tế Việt Nam đã bước qua năm 2022 với dấu hiệu phục hồi rõ nét sau đợt tàn phá bất ngờ bởi dịch bệnh Covid-19. GDP năm 2022 tăng trưởng hơn 8%, là mức tăng trưởng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Với mức tăng trưởng này, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.

Trong bối cảnh cảnh nền kinh tế nêu trên, Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022 đã diễn biến với 2 “gam màu" khác biệt  “đầu năm bùng nổ, cuối năm trầm lắng”.

Sau giai đoạn "ngủ đông" vì đại dịch, nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng hồi phục theo những xu hướng hoàn toàn mới mẻ. Cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguồn tiền dễ - kết quả của chính sách mở rộng tín dụng, giảm lãi suất tìm kiếm một kênh đầu tư khả quan. Chứng khoán và bất động sản là hai kênh đầu tư được quan tâm lựa chọn, gần như tách rời hẳn với các hoạt động kinh doanh khác.  Số lượng các nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường tăng mạnh.

Với việc dòng tiền dễ bơm vào thị trường không được kiểm soát tốt, hướng vào hoạt động đầu cơ cộng với sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả phân khúc. Tiếp đó là sự phát triển của hệ thống hạ tầng, giao thông, đường xá ngày càng thuận tiện, đất đai ngày càng tích lũy thêm giá trị nội tại. Đặc biệt, trong tình hình nguồn cung bị thắt chặt bởi nhiều lý do đã tiếp tục đẩy mặt bằng giá lên cao. Vì vậy, đầu năm thị trường bất động sản phát triển nóng, sốt đất xảy ra rầm rộ ở nhiều mức độ khác nhau tại các địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường…. kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch, môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, từ cuối quý II năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp,... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. 

Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ tết sớm. Thị trường bất động sản khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt là tuyến đầu như đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm.

Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay). 

Tính chung cả năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền" của số đông người dân.

Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.

Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về giá trị thực, gần như nguyên trạng so với thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do nhu cầu ở loại hình nhà ở này luôn hiện hữu và tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa. 

Bên cạnh đó, mặt bằng giá sơ cấp căn hộ cũng khó giảm do chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát ngày càng tăng cao. Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. Tuy nhiên, lượng giao dịch không cao bởi việc hạn chế khoản vay tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn khiến những người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận khoản vay trong khi cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá không phù hợp với nhu cầu dù đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu.

Thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn. Nhìn chung, thị trường BĐS đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải “giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu” nên rất dễ bị rơi vào tình trạng “đột quỵ”. Thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thị trường sẽ dần ấm lên và hoạt động ổn định. Nguồn cung trong tương lai từ một lượng lớn các dự án giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD được các doanh nghiệp đầu tư trên cả nước, đặc biệt là các dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội,... sẽ dần được đưa vào thị trường ngay khi các chính sách vĩ mô được điều chỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực.  

Quý độc giả, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà môi giới, nhà đầu tư và khách hàng trên cả nước quan tâm có thể xem báo cáo chi tiết về Thị trường Bất động sản Việt Nam năm 2022 tại file đính kèm.

Tài liệu đính kèm
  • VARS - Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam năm 2022 và Dự báo 2023 Download

Bạn muốn nhận thêm các báo cáo chuyên sâu tương tự?

Để lại thông tin ngay!

1 Bình luận

Đặng Đại
28/01/2023

Báo cáo rất tốt và chúng tôi cần những số liệu này để phục vụ nghiên cứu thị trường cho báo chí

Gửi bình luận

Bài viết liên quan

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Điện thoại 0964980966
Fax 02432247715

Để lại thông tin
Chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn

Gửi thông tin