00:41 07/02/2022

Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long đang trở thành “bến đỗ” mới của nhà đầu tư bất động sản với nhiều dự án khu đô thị lớn được triển khai.

Hạ tầng nâng cánh bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long - miền Tây Nam Bộ là vựa lúa, vựa nông sản của cả nước, miền đất giàu có được mệnh danh là “gạo trắng, nước trong”. Nếu như trước kia, nhà đầu tư chưa đánh giá cao tiềm năng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông thì vài năm trở lại đây, cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Minh chứng là việc Đồng bằng sông Cửu Long được dồn lực đầu tư phát triển về mọi mặt, xứng đáng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là một trong những đồng bằng lớn và màu mỡ nhất Đông Nam Á. Khu vực này còn được đánh giá là một vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển không chỉ nông nghiệp, thủy hải sản, mà còn giữ vai trò then chốt về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, những năm gần đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực đang trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng của các nhà đầu tư bất động sản.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng phát triển, luôn có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước từ 1,3 - 1,5 lần. 

Đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm bao gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, bên cạnh còn có 2 trọng điểm kinh tế là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Điều này hứa hẹn sự phát triển và bứt phá của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai không xa. Cùng với đó, hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng liên tục được đầu tư mạnh mẽ. Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá của Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung đầu tư, gắn kết giao thông liên tỉnh, nội vùng và liên vùng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của người dân. Hàng loạt dự án như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Đại Ngãi… sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, giúp tuyến giao thông đường bộ của Tây Nam Bộ gần như kết nối hoàn toàn. Đường xá sẽ thông tuyến từ TP.HCM tới Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, cũng như về tới Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu… Bất động sản cũng đón sóng ngay khi các công trình hạ tầng chuẩn bị khởi công.

Tại hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn năm 2021 - 2025, tổng số vốn được rót vào khu vực này sẽ đạt xấp xỉ 388.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến là bức tranh hạ tầng gồm 1.000km đường bộ, hơn 15.000km đường biển, gần 60 cảng thủy nội địa và 2 cảng biển nước sâu sẽ được đưa vào hoạt động.

Quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030 cũng đã xác định 153 dự án đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có 32 dự án giao thông trọng điểm kinh phí 95.000 tỷ đồng, 13 dự án liên kết nội vùng có tổng mức đầu tư 26.731 tỷ đồng, 7 tuyến cao tốc trục dọc ngang liên vùng gần 1.000km kinh phí 150.000 tỷ đồng… góp phần tạo nên sức bật mới.

Nổi bật phải kể đến tuyến cao tốc phía Đông: TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc phía Tây (tuyến N2 đường Hồ Chí Minh) Chơn Thành - Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối các tỉnh Bình Phước - TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang. Bên cạnh đó là 2 tuyến cao tốc trục ngang quan trọng gồm tuyến: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (155km, tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng, thời gian dự kiến triển khai 2023 - 2026) và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (225km, tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, khởi công năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2026).

Các dự án cảng biển quy mô lớn phải kể đến cảng Trần Đề - Sóc Trăng và cảng Hòn Khoai - Cà Mau. Bên cạnh đó, dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đường hàng không mở thêm các đường bay ở các sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau sẽ thúc đẩy được du lịch và thu hút đầu tư.

Hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long đang được tập trung đầu tư 

Dễ dàng nhận thấy, trong tương lai, diện mạo của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện ngoạn mục nhờ sự kết nối đồng bộ các phương thức vận tải, trở thành động lực phát triển kinh tế to lớn, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành nghề, lĩnh vực bứt phá, trong đó có bất động sản.

Từ tín hiệu này, trong năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long còn đón nhận hàng loạt các đề nghị đầu tư liên quan đến lĩnh vực bất động sản và logistics từ Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn T&T và trước đó có Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn FLC… Điểm nổi bật là các dự án được đề xuất quy hoạch đều có quy mô lớn từ 50ha đến 200ha, hướng đến các quy hoạch đẳng cấp và đa tiện ích cho cộng đồng cư dân. Riêng dự án đầu tư khu logistics và công nghiệp hàng không Cần Thơ có quy mô lên tới 1.650ha.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức và điểm cần phải cải thiện để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bứt phá, song giới chuyên gia nhìn nhận với những chính sách đã và đang được đề ra để phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế, thì lĩnh vực bất động sản khu vực này thời gian tới sẽ được hưởng lợi.

Nguyên nhân là do lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có quỹ đất lớn, hấp dẫn các chủ đầu tư lớn về phát triển các dự án nhà ở tại khu vực, đặc biệt là các khu đô thị trung tâm và các dự án nhà ở liền kề khu công nghiệp. Khi quỹ đất TP.HCM ngày càng hạn hẹp, thị trường “gạo cội” Đông Nam Bộ cũng đặc kín các dự án bất động sản thì việc các nhà đầu tư quan tâm đến vùng Tây Nam Bộ là điều dễ hiểu khi vùng đất này còn quỹ đất lớn và tình hình kinh tế, xã hội của khu vực đang tăng trưởng tốt. Nguồn cung dồi dào, mức giá bình quân thấp, chính là lợi thế cạnh tranh của bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long so với các khu vực khác.

Nhiều "ông lớn" trong ngành địa ốc đã đầu tư, phát triển nhiều dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút hàng loạt “ông lớn” trong ngành địa ốc như Vingroup, Sun Group, Nam Long Group… về đầu tư phát triển dự án. Đi cùng với hoạt động đầu tư, săn quỹ đất của các “ông lớn” là làn sóng đón đầu thị trường của giới đầu tư. Không chỉ khách bản địa mà cả nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội… cũng đổ về đây khiến giá nhà đất tăng rõ rệt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cũng cho biết, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Bộ đã dày đặc các dự án đầu tư, quỹ đất ngày càng hẹp, việc các nhà đầu tư lớn, có uy tín và thương hiệu quan tâm đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một điều dễ hiểu.

"Thời gian tới, phân khúc bất động sản nông nghiệp, du lịch và nhà ở sẽ là những điểm sáng trước mắt tại khu vực miền Tây Nam Bộ khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện", ông Khương nhận định.

Chuyên gia cũng đánh giá, một yếu tố khác khiến thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết chính là nhờ làn sóng “hồi hương” từ TP.HCM về quê lập nghiệp do phải chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, kéo theo nhu cầu “ở thật, ở an toàn” của cư dân được chú trọng.

Cần Thơ: "Ngôi sao sáng" thu hút đầu tư bậc nhất miền Tây Nam Bộ

Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng và là trung tâm của Tây Nam Bộ thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cách TP.HCM chỉ 169km và dễ dàng kết nối với các tỉnh thành lân cận. Chính vì vậy, Cần Thơ được xem là cửa ngõ quan trọng giữ vai trò kết nối giữa TP. HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Chính vì vai trò quan trọng đó nên Cần Thơ trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư phát triển từ Chính phủ về kinh tế xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối cả về đường bộ, đường thủy, đường hàng không để việc kết nối giao thông giữa Cần Thơ với các tỉnh thành khác của Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM ngày càng thuận lợi.

Cần Thơ cũng là thành phố hiếm hoi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư đồng bộ hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối thông suốt các địa phương trong vùng với TP.HCM và cả nước, như: cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ cùng các tuyến quốc lộ 1A, 80, 91, 91B, Nam sông Hậu… cùng hàng loạt dự án đang được triển khai, sắp đi vào hoạt động, sẵn sàng tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản Cần Thơ phát triển mạnh mẽ.

Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối đang được đẩy mạnh đầu tư, thị trường bất động sản Cần Thơ đang trở thành khu vực sôi động bậc nhất miền Tây Nam Bộ. Trong 3 năm trở lại đây, các chủ đầu tư lớn về bất động sản đã đón đầu xu hướng, “săn” nhiều quỹ đất lớn tại thị trường bất động sản này để phát triển các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở chất lượng cao. Các dự án khu đô thị lớn tại Cần Thơ luôn tạo sức hút cho nhà đầu tư các tỉnh thành lân cận, đặc biệt là nhu cầu mua để ở.

TP Cần Thơ ngày càng thu hút đông dân cư về sinh sống và lập nghiệp

Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như nhiều thị trường khác trên cả nước, thị trường bất động sản Cần Thơ cũng trở nên trầm lắng. Tuy nhiên, địa phương này vẫn thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn. Từ đầu năm 2021, Cần Thơ liên tục hút nhiều doanh nghiệp mới đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư như Sovico, Hòa Phát, T&T.... Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico đã được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho khảo sát 2 dự án logistics và Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền, quy mô 2.650ha trên địa bàn.

Hồi tháng 5/2021, Tập đoàn Hòa Phát cũng được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu hàng loạt dự án như Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ với quy mô 452ha và 2 dự án khác tại quận Cái Răng và Ninh Kiều với tổng diện tích gần 100ha.

Không chỉ có lợi thế về vị trí, hạ tầng, Cần Thơ lọt vào tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp bất động sản bởi còn nhiều quỹ đất sạch. Thành phố này đang thực hiện nhiều chính sách, chủ trương nhằm tăng cường tạo quỹ đất sạch phục vụ cho đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện dự án có sử dụng đất, điều tiết thị trường đất đai… thu hút các nhà đầu tư thực sự đủ năng lực để phát triển những dự án quy mô tầm cỡ tại địa phương.

Với những tiềm năng vô cùng to lớn cùng chính sách rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, Cần Thơ đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Các đại gia bất động sản như: Vingroup, Novaland, FLC, KITA Group, LDG, T&T... cũng đã nhanh chóng chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này. 

Theo nhận định ông Dương Quốc Thủy, Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, Cần Thơ có lợi thế là đô thị trung tâm của vùng, cơ sở hạ tầng nơi đây rất tốt, quỹ đất còn nhiều, sắp tới việc kết nối giao thông thông suốt với TP.HCM qua đường bộ cao tốc thì bất động sản nơi đây sẽ còn nhiều dư địa tăng giá. Sau khi tuyến cao tốc Cần Thơ - TP.HCM hoàn thành, thị trường bất động sản tại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ còn phát triển hơn nữa. "Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025, sự cạnh tranh tại khu vực đô thị mới nổi này sẽ rất quyết liệt, doanh nghiệp nào nắm bắt được công nghệ, thị trường, đầu tư tốt thì sẽ nắm trong tay phần thắng nhiều hơn", ông Thủy nói.

Cần Thơ đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, sau khi cao tốc TP.HCM và Cần Thơ thông tuyến thì thời gian đi lại giữa hai thành phố này chỉ mất hơn 2 giờ, đây là một lợi thế để Cần Thơ "hút" dòng vốn đầu tư lan tỏa từ TP.HCM chảy về. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay mặt bằng giá đất còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Mặt khác, gần đây hạ tầng kết nối vùng này đã được cải thiện, đầu tư vào đất đai tại đây có nhiều cơ hội tăng giá so với các tỉnh có giá đất đã lên mức quá cao như Đồng Nai, Bình Dương…

Ông Võ cho rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, số nhà đầu tư chuyên nghiệp đã quan tâm nhiều đến thị trường Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng. Thị trường bất động sản ở đây đang trong tình trạng chuyển đổi từ một thị trường thiếu chuyên nghiệp sang thị trường mang tính chuyên nghiệp cao hơn, với quan niệm sự tiện lợi như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vấn đề môi trường... sẽ quyết định giá thành bất động sản. “Đầu tư bất động sản ở Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, khả năng sinh lợi sẽ cao do mức độ tăng giá đất ở đây vượt hơn so với việc tăng giá đất theo quy luật thông thường”, ông Võ nói.

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa sức hút của một thị trường bất động sản sôi động, đầy tiềm năng, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cũng khuyến nghị Cần Thơ cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm ở nhiều phân khúc khác nhau, chú trọng đến sự đa dạng về tiện ích hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vấn đề môi trường, cảnh quan... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đây cũng chính là xu hướng mà chủ đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn đang hướng đến.

Bất động sản đô thị, công nghiệp - điểm sáng của thị trường Long An

Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt. Tuy nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, song lại thuộc Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của Long An đạt 9,11%/năm, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nằm giáp ranh TP.HCM, Long An được xem là dấu gạch nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ. Trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - tài chính - công nghệ cao của TP.HCM, Long An được xem như khu vực mở rộng để di dời các nhà máy công nghiệp một cách thuận tiện nhất. Nhờ đó, Long An đang trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với thị trường bất động sản, trong những năm qua, khi “chiếc áo đô thị” TP.HCM trở nên chật hẹp, mạng lưới giao thông trong tình trạng quá tải hoặc chưa được đầu tư tương xứng thì việc phát triển các đô thị tích hợp quy mô lớn tại các vùng lân cận trở nên cần thiết. Thực tế cho thấy, làn sóng đầu tư đã dịch chuyển ra các đô thị vệ tinh tại cửa ngõ TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Trong đó, Long An có nhiều cơ hội đón sóng đầu tư, nhất là trên lĩnh vực phát triển công nghiệp. Đây cũng là một trong những “đòn bẩy” giúp Long An phát huy lợi thế và đưa thị trường bất động sản Long An bứt phá hơn.

Long An được xem là dấu gạch nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ

Với mặt bằng giá mềm, quỹ đất sạch và là cánh tay nối dài trục kinh tế TP.HCM, Long An đang được chú trọng đầu tư hạ tầng và phát triển công nghiệp. Nhiều năm qua, Long An tập trung các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ N2, Đường tỉnh 830… Sắp tới, tỉnh còn hưởng lợi rất nhiều khi các trục giao thông chiến lược hoàn thành như cao tốc Bến Lức - Long Thành hay tuyến Tiền Giang - Long An - TP.HCM.

Hạ tầng đồng bộ và chính sách cởi mở đầu tư của chính quyền Long An đã thu hút nhiều cụm – khu công nghiệp đổ dồn về địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích 15.000ha đã được quy hoạch đồng bộ. Dự kiến trong khoảng 2-3 năm tới, Long An sẽ là tỉnh có nhiều khu công nghiệp mới cho cả nước và trở thành một trong những khu công nghiệp lớn nhất miền Nam.

Đòn bẩy hạ tầng và sự mở rộng của các khu công nghiệp làm nhu cầu về nhà đất tăng cao, đưa Long An trở thành tâm điểm đầu tư. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính từ đầu năm đến giữa tháng 12, Long An thu hút vốn FDI trên 3,7 tỷ USD, riêng trong các khu công nghiệp thu hút được 84 dự án, trong đó có 35 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 450 triệu USD và 49 dự án trong nước với số vốn gần 12.000 tỷ đồng. Tính chung cả năm, Long An đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI trong năm 2021.

Long An trở thành “điểm sáng” trong công tác thu hút đầu tư trong vùng cũng như cả nước

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út, nhờ lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động cùng chủ trương, chính sách đúng đắn, nhiều năm qua, Long An trở thành “điểm sáng” trong công tác thu hút đầu tư trong vùng cũng như cả nước, đứng vị trí tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. 

Đặc biệt, từ khi hạ tầng được nâng cấp và mở rộng, bất động sản Long An đã trở thành một thị trường tiềm năng. So với các tỉnh vùng ven khác của TP.HCM, Long An có quỹ đất sạch rộng lớn, giá cả hợp lý cùng với giao thông thuận lợi hứa hẹn sẽ là thị trường lý tưởng đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Những lợi thế này đang giúp cho bất động sản Long An trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn bất động sản lớn cũng như nhà đầu tư cá nhân. Thị trường bất động sản các khu vực giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc đều đang diễn ra sôi động, tập trung nhiều nhà đầu tư đổ dồn về. Nhất là khu vực Đức Hòa có lợi thế giáp ranh với TP.HCM đang nổi lên là vùng đất rất tiềm năng của tỉnh này.

Những năm gần đây, Long An xuất hiện các khu đô thị với đa dạng phân khúc từ đất nền, căn hộ đến nhà phố, biệt thự, shophouse

Ghi nhận cho thấy, tại thị trường Long An, đi cùng với hoạt động đầu tư, săn quỹ đất của các "ông lớn" là làn sóng đón đầu thị trường của nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên cả nước đã đổ về Long An khiến giá nhà đất tăng rõ rệt những năm qua. Dư địa tăng trưởng giá còn tốt hơn các thị trường phát triển trước đó đã khiến bất động sản Long An được người mua chú ý.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, những năm gần đây, Long An xuất hiện các khu đô thị với đa dạng phân khúc từ đất nền, căn hộ đến nhà phố, biệt thự, shophouse của các chủ đầu tư địa phương và chủ đầu tư từ TP.HCM khiến bất động sản nơi đây sôi động.

Ông Kiệt đánh giá, nếu so với Đồng Nai, Bình Dương thì mặt bằng giá bất động sản tại Long An còn ở ngưỡng mềm hơn. Đây cũng là thị trường nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư cá nhân, nhắm đến các dự án khu đô thị bài bản tiện ích, đầu tư trong trung-dài hạn. Các đợt chào thị trường của nhiều dự án bất động sản tại đây diễn ra khá sôi động và tỉ lệ hấp thụ tốt. Tuy vậy, theo ông Kiệt, tính bền vững của thị trường bất động sản phụ thuộc vào nhu cầu ở thực. Lúc đầu có thể là làn sóng đầu tư nhưng sau đó phải là nhu cầu ở thực. Có như vậy, thị trường mới phát triển bền vững.

Theo Diệu Thúy

Reatimes.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan