Hà Nội, ngày 15/4/2024 - được sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức, Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường BĐS Việt Nam cùng VARs Connect đã tổ chức Hội nghị Công bố báo cáo thị trường BĐS Việt Nam quý 1/2024 & dự báo quý 2/2024 kết hợp Tọa đàm “Thị trường BĐS Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?”.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VARS
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm, dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2023, kinh tế Việt Nam trong quý 1/2024 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực và được dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lạc quan.
Trên nền tảng đó, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt là việc thông qua 3 bộ Luật vô cùng quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, tiến trình phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam cũng đang ngày càng rõ nét và lạc quan với nhiều dư địa để phát triển rực rỡ hơn nữa.
Theo đó, đánh giá về tác động của Luật đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS mới tới thị trường BĐS, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, nội dung của các bộ Luật sẽ có tác động rất tích cực tới thị trường. Cụ thể, Luật Đất đai mới hỗ trợ việc tiếp cận thị trường đất đai của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, giúp phân khúc BĐS nông nghiệp khởi sắc, nhộn nhịp hơn. Hỗ trợ tăng lực cầu tài chính tốt với quy định tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước,... Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ vừa gỡ vướng, vừa thanh lọc thị trường với các quy định kiểm soát môi giới, giao dịch,... Trong khi Luật Nhà ở giúp tăng khả năng tiếp cận Nhà ở cho người dân.
“Bất chấp nội hàm các nghị định là rất khó, bao trùm nhiều nội dung, phạm vi các hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhưng tin tưởng các cơ quan, Chính phủ, Bộ ngành sẽ ban hành nội dung nghị định phù hợp. Tuy nhiên, các bộ Luật đều sẽ có độ trễ chính sách. Để bảo đảm hiệu quả thực thi, trong quá trình chờ đợi “ngấm”, cần nghiên cứu nâng cao công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, nâng cao năng lực thực thi, áp dụng của cơ quan quản lý địa phương.”, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ.
Bà Phạm Miền, phó Trưởng Ban NCTT & TVXT ĐT
Trình bày Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của VARS, bà Phạm Miền, phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư BĐS VARS cho biết, thị trường địa ốc quý 1/2024 vừa qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nguồn cung Nhà ở sơ cấp đạt khoảng 20.500 sản phẩm, trong đó có 4.300 sản phẩm mới, còn lại là hàng tồn của những dự án mở bán trước đó. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở cuối quý 1, khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án, các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off, "làm mới hàng cũ" diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cũng cho thấy, làn sóng phục hồi đang ngày càng lan rộng. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt gần 31%, tương đương với khoảng 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ,... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số thị trường được đánh giá là điểm sáng trong quý 1/2024 như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ.
Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes
Tại phần công bố Báo cáo thị trường, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes cũng cho biết, tiến trình phục hồi của thị trường vẫn có sự phân hóa giữa các phân khúc thị trường. Theo đó, phân khúc căn hộ tiếp tục “dẫn đầu" về tỷ trọng giao dịch. Cụ thể, phân khúc căn hộ ghi nhận 3.700 giao dịch thành công, chiếm gần 60% tổng lượng giao dịch toàn thị trường. Mặc dù các dự án mới mở bán hầu hết đều có mức giá thuộc phân khúc cao cấp. Bởi giá thuê, mua nhà không ngừng tăng thúc đẩy nhu cầu mua nhà của người dân, đặc biệt là ở người trẻ đã có một phần tích lũy khi CĐT áp dụng nhiều chính sách ưu đãi: thanh toán giãn cách và hỗ trợ lãi suất,… Đồng thời, nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn, kể cả nhu cầu cho phân khúc hạng sang, cao cấp chứ không riêng gì phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực.
Bên cạnh đó, thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều hơn nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân từ các dự án nhà ở xã hội mở bán.
Tình hình bán nhà ở xã hội ở một số tỉnh thành phát triển gắn liền các Khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên đã được cải thiện với lượng giao dịch tăng khoảng 30-40% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng thiếu cung trên tổng thể nhưng vẫn chật vật trong khâu bán hàng vẫn tiếp diễn. Do nguồn cung chủ yếu tập trung ở các tỉnh thành cấp 2,3 - nơi có ít nhu cầu hơn trong khi các điều kiện tăng khả năng tiếp cận phân khúc này của thị chưa chính thức có hiệu lực.
Phân khúc BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, là “ngôi sang đang lên" của khu vực và trên thế giới. Phân khúc BĐS thương mại có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc với sự tăng trưởng về nhu cầu thuê.
Riêng BĐS du lịch nghỉ dưỡng chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm, vẫn duy trì trạng thái ảm đạm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Khi nhiều dự án mới liên tục rời thời gian triển khai bán hàng, nhiều dự án vướng mắc pháp lý, nhiều dự án phải điều chỉnh lại giá bán và chính sách bán hàng.
Về giá bán, dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, giá BĐS ghi nhận nhiều dấu hiệu tăng trưởng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục duy trì xu hướng tăng dần qua các quý, với mức tăng khoảng 8 điểm phần trăm so với quý trước và 48% so với quý 1/2019. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá căn hộ tăng khoảng 2 điểm phần trăm theo quý và 21% với quý 1/2019. Giá phân khúc thấp tầng, đất nền, nhất là các dự án thấp tầng, đất nền được phát triển bởi các CĐT uy tín, ở vùng ven đô thị đặc biệt, thu hút nhiều người dân đến sinh sống và làm việc tăng nhẹ.
Đặc biệt, ngay trong những tháng đầu năm, thị trường ghi nhận hiện tượng giá căn hộ chung cư, đất nền, thổ cư tăng “chóng mặt", cục bộ ở một số khu vực. Không thể phủ nhận, việc tăng giá có xuất phát từ cán cân cung - cầu thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, mới cho thấy có dấu hiệu hồi phục, thu nhập việc làm của người dân chưa thực sự ổn định trở lại mà giá lại tăng mạnh là bất thường. Mức giá tăng "nóng" trong thời gian ngắn, không có cơ sở, được nhận định có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ các nhóm đầu cơ tạo cung cầu ảo để đẩy giá, thổi giá, nhằm trục lợi.
Do đó, khách hàng mua và các nhà đầu tư BĐS. Cần phải tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý đảm bảo. Tuyệt đối không lao theo cơn “sốt", phong trào đám đông. Bên cạnh đó, để không gây ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của thị trường, Chủ đầu tư cũng phải nghĩ đến tình hình thị trường chung, điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý và kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối.
Mức độ “sẵn sàng tái nhập cuộc" của các chủ thể
Đánh giá về mức độ “sẵn sàng tái nhập cuộc" của các chủ thế, báo cáo của VARS cho biết, nhờ đà phục hồi của thị trường, cũng như nỗ lực tự nhìn lại mình để điều chỉnh hướng phát triển phù hợp của các chủ thể tham gia thị trường, các cá nhân, doanh nghiệp còn hoạt động trong lĩnh vực BĐS đều “khỏe" hơn so với cùng kỳ.
Dữ liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 1035 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ.
Kết quả từ một cuộc khảo sát gần đây của VARS với các hội viên là chủ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đang hoạt động cũng chỉ ra, có tới trên 80% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ có tình hình kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ, với mức lợi nhuận tăng khoảng 10%. Một số doanh nghiệp còn ghi nhận doanh thu cao gấp đôi cùng kỳ, hay lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây,... Trên 90% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã và đang thực hiện tuyển lượng lớn môi giới để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Với những tín hiệu khởi sắc từ thị trường BĐS, đã có khoảng 20-30% môi giới quay trở lại hoạt động so với thời điểm thị trường khó khăn nhất. Lượng lớn môi giới đã bỏ việc cũng đang có kế hoạch quay lại với ngành bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc ra quyết định quay trở lại phải cân nhắc đến việc đầu tư nâng cao năng lực và kiến thức khi điều kiện hành nghề môi giới siết chặt.
Tọa đàm “Thị trường BĐS Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?”
Để làm rõ và trực tiếp hơn mức độ sẵn sàng tái nhập cuộc của các chủ thể, Tọa đàm “Thị trường BĐS Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị với sự điều phối từ TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, tài chính cùng chủ đầu tư, sàn giao dịch và Ngân hàng.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Theo đó, với vai trò vừa là chủ đầu tư, vừa là sàn giao dịch BĐS, bà Nguyễn Thu Huyền, Tổng Giám đốc NewstarGroup cho biết, bản thân doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc trên nhiều khía cạnh.
“Với vai trò là chủ đầu tư, từ thời điểm cuối năm 2023 đến nay, chúng tôi đã quyết liệt đẩy mạnh tiến độ xây dựng tất cả các dự án. Cả hai dự án tại Thái Nguyên và Kiên Giang của tập đoàn đều được hoàn thiện 100% hạ tầng và tiện ích cảnh quan. Đặc biệt, để có thể gắn bó lâu dài với thị trường, chúng tôi cũng đang nỗ lực phát triển vận hành sau bán hàng, đẩy mạnh giá trị sử dụng cho người mua dự án.”
Dưới góc độ sàn giao dịch BĐS, bà Huyền cho biết, sau giai đoạn sàng lọc vừa qua, khách hàng đang ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm “xuống tiền". Do đó, các dự án được Newstarland lựa chọn phân phối đều sẽ được nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng về pháp lý, về uy tín của chủ đầu tư, về thanh khoản thay vì cứ thế “lao” vào bán như trước kia”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực xây dựng các chính sách tuyển dụng hấp dẫn để thu hút môi giới chất lượng cao. Đồng thời, tổ chức các kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức hành nghề cho cán bộ, công nhân viên công ty. Để mỗi cá nhân đều là các chuyên gia có thể review sản phẩm cho khách hàng.
Đồng quan điểm với bà Huyền, TS. Võ Trí Thành cho biết, ông đánh giá rất cao về tầm nhìn chiến lược, tư duy vận hành của doanh nghiệp. TS. Thành lưu ý thêm, điểm gãy cho hoạt động sản xuất kinh doanh là điểm rất đáng lưu ý trong hành trình tái cấu trúc của doanh nghiệp. Điểm gãy này có thể chuyển hóa từ tiêu cực thành tích cực và ngược lại.
Dưới góc độ Ngân hàng, ông Ngô Đăng Hoan, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng PVcomBank cho biết, khách hàng cá nhân vay mua nhà, đặc biệt là khách hàng cá nhân vay mua nhà dự án luôn được coi là đối tượng mục tiêu của PVcomBank. Ngay cả trong thời điểm thị trường khó khăn nhất, PVcomBank vẫn luôn đặt trọng tâm phát triển tín dụng cá nhân. Và vẫn đang nỗ lực trong việc phát triển các sản phẩm riêng biệt theo hướng may đo phù hợp với khách hàng mua nhà theo từng dự án. Trong quá trình triển khai, PVcomBank cũng luôn luôn lắng nghe, đồng hành và hỗ trợ các chủ tư cũng như là các khách hàng vay mua nhà trước trong và sau khi giải ngân.
“Ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất nếu có cơ hội. Từ đầu năm đến nay, PVcomBank đã có 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở. PVcomBank sẽ tiếp tục giảm từ 0,5-1% nữa cho các kỳ hạn vay trong thời gian tới.”, ông Hoan khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề nguồn vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, nguồn vốn vẫn là khó khăn “đeo bám" các doanh nghiệp. Nhu cầu vốn của thị trường rất lớn, ước tính 70 - 80 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Và vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng. Do đó, Chính phủ cần có hỗ trợ về lãi suất và pháp lý như hỗ trợ bù lãi suất chênh lệch, tạo điều kiện về pháp lý, phát hành Trái phiếu Chính phủ để huy động vốn phát triển NƠXH,...
Trên nền tảng nỗ lực về chính sách của Nhà nước, Doanh nghiệp cần chủ động nhìn nhận lại, tái cơ cấu, định hướng chiến lược phù hợp hơn với xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới.
Phát biểu Kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch VARS chia sẻ, thị trường BĐS sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường "mới" với các thông tin ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Nguồn cung tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tăng. Cầu nhà ở vẫn sẽ duy trì ở mức cao, được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hoá. Cầu đầu tư tiếp tục được củng cố, hướng tới các đô thị vệ tinh của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc đô thị lớn trực thuộc TW như Đà Nẵng.
Số lượng các chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc” sẽ tăng lên với nhiều hơn các dự án được kickoff, giới thiệu, mở bán ra thị trường; nhiều hơn các sàn giao dịch, Môi giới BĐS quay trở lại hoạt động tăng lên; nhiều hơn khách hàng/nhà đầu tư tìm về kênh BĐS;...
Phân khúc BĐS bán lẻ sẽ đón nhận thêm hàng trăm nghìn m2 diện tích thuê mới chất lượng. Phân khúc BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì vị thế tăng trưởng tích cực.
Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng khó có thể phục hồi trong ngắn hạn nhưng sẽ có thêm nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch nghỉ dưỡng thuộc những địa bàn du lịch truyền thống, trọng điểm.
Quý độc giả quan tâm có thể xem Bản trình bày Báo cáo đánh giá và dự báo các phân khúc BĐS của Thị trường Bất động sản Việt Nam quý 1 năm 2024 tại đây.
Báo cáo chi tiết và Báo cáo các khu vực sẽ được chúng tôi đăng tải trên app VARs Connect.
Hải
21/08/2024Website thuenhahaiphong.com.vn là một nền tảng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ tư vấn, quảng cáo, đầu tư trong lĩnh vực lưu trú - du lịch được thiết lập bởi Công ty Cyber Life.