Không có nhiều lựa chọn ở Hà Nội và TP. HCM nên dòng tiền đầu tư bất động sản tỏa đi các tỉnh.
Giới đầu tư bất động sản đang loay hoay tìm nơi đầu tư do nhiều dự án hiện hữu đã “cháy hàng” trong khi nguồn cung mới nhỏ giọt.
Hai thị trường bất động sản lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng khan hiếm nguồn hàng mới trong năm nay, thậm chí kéo dài tới sang năm, do những ách tắc về pháp lý chưa được tháo gỡ.
Trong đó, hàng trăm dự án bất động sản ở nhiều nơi hầu như vẫn án binh bất động, do liên quan đến tài sản công hoặc vướng phải đất công xen cài, không có đất ở để được phép làm dự án nhà ở thương mại, hoặc tắc nghẽn ở khâu tính tiền sử dụng đất. Những vướng mắc này đã kéo dài mấy năm và có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn chưa thông.
Vì những vướng mắc này, nguồn cung nhà ở mới tại Hà Nội và TP. HCM trong năm ngoái đều sụt giảm so với năm trước đó, và tình trạng khan hàng chưa có dấu hiệu cải thiện, khi những chủ đầu tư lớn ở hai thị trường này chưa có nhiều động thái chuẩn bị chào bán dự án mới trong năm nay.
Hầu như nguồn cung nhà ở năm nay ở Hà Nội đến từ những dự án quy mô trung bình và nhỏ đã chào bán từ trước như Imperia Smart City của MIK Group hay Hinode Royal Park của Vietrancimex.
Giới đầu tư đang ngóng chờ những dự án lớn có thể ra hàng trong năm nay như Vinhomes Cổ Loa, Vinhomes Wonder Park và Sunshine Heritage. Nhưng cho đến nay, các nhà phát triển Vinhomes và Sunshine vẫn chưa chính thức công bố kế hoạch chào bán.
Nguồn cung nhà đất ở thị trường TP. HCM cũng không khá hơn, khi những chủ đầu tư lớn như Novaland, Hưng Thịnh và Vinhomes cũng chưa có dấu hiệu triển khai dự án mới có quy mô trong năm nay.
Nguồn cung đáng kể nhất có thể đến từ giai đoạn 2 của dự án Akari City do Tập đoàn Nam Long và đối tác Nhật phát triển, với tổng số gần 1.700 căn hộ mới được động thổ xây dựng.
Chính do nguồn cung khan hiếm nên giá căn hộ chào bán mới tại hai thành phố lớn đều tăng mạnh trong năm qua. Tính trung bình, giá căn hộ chủ đầu tư chào bán ra tại Hà Nội và TP. HCM đã tăng tương ứng 13% và 6,9% trong năm qua.
Tại TP. HCM, một số doanh nghiệp đã chấp nhận mua lại những dự án “sạch” và giá cao, như Sơn Kim Land mua dự án The 9 Stellars hay Masterise Group tái khởi động dự án khu đô thị Bình An dưới tên thương mại The Global City. Do giá mua cao, nên các sản phẩm đầu ra của những dự án này cũng rất cao, với giá căn hộ lên tới 70-80 triệu đồng/m2 và giá nhà liền thổ có thể đạt mức 350 triệu đồng/m2.
Do nguồn cung khan hiếm và giá cao ở Hà Nội và TP. HCM nên các nhà đầu tư bất động sản buộc phải tỏa đi các tỉnh để tìm kiếm cơ hội. Nhiều chủ đầu tư gặp vướng mắc ở hai thị trường này cũng chấp nhận chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh thành lân cận hoặc tiến vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Những thủ phủ công nghiệp như Bắc Ninh và Bắc Giang ở phía Bắc hay Bình Dương, Đồng Nai và Long An ở phía Nam tiếp tục là điểm đến của dòng tiền đầu tư bất động sản trong năm nay, với một số dự án khu đô thị và nhà ở chào bán trong năm nay.
Trong khi đó, những thị trường sôi động một thời như Nha Trang và Đà Nẵng vẫn khá yên ắng do không có nguồn cung mới, ngoại trừ dự án KN Paraside vẫn tiếp tục khuấy đảo thị trường Cam Ranh.
Những thị trường có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh trong mấy năm qua như Quảng Ninh sẽ tiếp tục đón nhận dòng tiền, với những dự án mới tập trung ở thành phố Móng Cái, Hạ Long và Quảng Yên.
Một diễn biến đáng chú ý là sự trở lại của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sau hai năm bị “bầm dập” bởi dịch Covid-19 và những cam kết lợi nhuận ở một số dự án bị đổ bể.
Trong phân khúc này, Bình Định đang trỗi dậy mạnh mẽ với sự xuất hiện của dự án Hải Giang Merry Land. Dự án đánh dấu bước tiến mạnh mẽ và tham vọng của Hưng Thịnh Corp ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi có quy mô lên tới 1.000ha, trong đó, phân khúc đầu tiên là khu nhà phố Canal District dự kiến sẽ ra mắt giới đầu tư Hà Nội trong tuần này.
Những căn nhà phố của dự án Hải Giang Merry Land được môi giới chào bán với giá từ 15 tỷ đồng
Bình Thuận tiếp tục hút dòng tiền đầu tư nhờ nguồn cung lớn từ dự án NovaWorld Phan Thiết, Thanh Long Bay, Venezia, Mũi Né Summerland và có thể sắp tới là Sunshine Hòn Rơm.
Trong khi đó, đảo Phú Quốc tiếp tục là điểm nóng, với những phân khu nhà phố thương mại ở phía Bắc đảo thuộc quần thể do Vingroup phát triển ở phía Bắc đảo; tổ hợp căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại do Sungroup phát triển ở phía Nam đảo; hay nguồn cung đến từ những tên tuổi mới như Tân Á Đại Thành và Tân Hoàng Minh Group.
Ở phía Bắc, Thanh Hóa sẽ là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm trong năm nay, với sự góp mặt của tên tuổi lớn là Sungroup với những dự án thành phần như Sun Grand Boulevard, Sun Riverside Village và Sun Beauty Onsen với tổng diện tích ba khu lên tới 200ha.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng đón nhận nguồn cung mới từ dự án khu đô thị Vlasta Sầm Sơn của Văn Phú Invest và Flamingo Hải Tiến của Tập đoàn Flamingo.
Trong khi đó, điểm đến mới Vân Đồn của Quảng Ninh sẽ chứng kiến một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn khởi công trong năm nay, nhưng nguồn cung mới có thể chào bán vẫn tập trung vào dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Những dự án chào bán trong nửa năm trở lại đây như phân khu Para Sol ở Cam Ranh, La Queenara ở Hội An hay phân khu Wyndham Garden và Silkpath của Sonasea Vân Đồn Harbor City đều nhanh chóng cháy hàng, chứng tỏ bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có sức hút với dòng tiền đầu tư.
Mặc dù những dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thời hạn sử dụng giới hạn như Wydham Garden ở Vân Đồn vẫn hút nhà đầu tư do pháp lý rõ ràng, nhưng trên thực tế, giới đầu tư vẫn ưa chuộng những sản phẩm có tính sở hữu lâu dài và đây sẽ là dòng sản phẩm được dự báo sẽ “tạo sóng” năm nay.
Theo Giang Sơn
TheLeader
0 Bình luận
Gửi bình luận