Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc áp dụng thuế bất động sản là điều hiển nhiên cần được thực hiện chứ không phải chỉ để chống đầu cơ, giảm giá nhà.
Tại Việt Nam, có nhiều người kinh doanh cá nhân khi đầu tư vào bất động sản đã có thể trở thành đại gia với khối tài sản trị giá cả nghìn tỷ đồng nhờ việc sở hữu nhiều bất động sản. Có thể thấy, mức thuế hiện nay còn quá nhẹ so với giá trị tài sản mà nhà đầu tư thu được từ việc khai thác cho kinh doanh các bất động sản.
Theo nhiều chuyên gia, muốn thị trường bất động sản phát triển ổn định và minh bạch thì phải đánh thuế với những người sở hữu nhiều nhà ở với mục đích đầu cơ, kinh doanh. Bên cạnh đó cũng phải chống đầu cơ bằng giải pháp đánh thuế cao với những người "găm giữ" đất không đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, việc đánh thuế bất động sản cũng là hình thức để bù đắp hụt thu ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo nguồn thu ổn định, bền vững.
Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống thuế về bất động sản tuy nhiên theo đánh giá thực tiễn thì chưa được hiệu quả, nguồn thu từ thuế đất còn quá thấp và mức thuế áp dụng chưa trở thành công cụ điều tiết thị trường.
Hiện nay, có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình thức này khi một cá nhân sở hữu căn nhà thứ 2 sẽ phải chịu mức thuế từ 1,2 - 2% (Trung Quốc), 4% (Canada) hay lên đến tới 15% với những căn nhà trị giá trên 1,5 triệu bảng (Anh).
Đây được coi là phương án dễ áp dụng và đang được đề xuất bởi Bộ Tài chính từ rất lâu khi việc tăng thuế theo tỷ lệ phần trăm trên tài sản sẽ là nguồn thu dồi dào và chủ yếu đến từ những người giàu, ít tác động tới những người chưa sở hữu căn nhà nào.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Reatimes đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển.
PV: Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đánh thuế bất động sản nên được áp dụng khắt khe hơn tại thị trường bất động sản Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
TS. Đinh Thế Hiển: Thời gian qua, quyền của người sử dụng bất động sản tại Việt Nam đã tương đương so với các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, mức thuế phải nộp của những người đang sở hữu bất động sản ở nước ta vẫn còn rất thấp. Đặc biệt, khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta đã áp dụng những bước đi trước từ các nước phát triểu như: Thuế VAT, thuế quan... nhưng riêng bất động sản lại chưa được áp dụng mức thuế khắt khe như các nước khác.
Tức là, hiện nay chúng ta vẫn chưa coi trọng việc một người có tài sản là phải nộp thuế tài sản. Mà tài sản ở đây là bao gồm những tài sản có thể định giá được như bất động sản, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng. Nói chung, tất cả những gì được gọi là tài sản thì đều phải chịu thuế hàng năm tùy theo mức độ sinh lời của tài sản đó.
PV: Theo ông, tại sao chúng ta cần phải triển khai việc đánh thuế mạnh hơn nữa vào các tài sản mà đặc biệt là bất động sản tại Việt Nam?
TS. Đinh Thế Hiển: Nhìn vào thực tiễn hiện nay tại Việt Nam, các thuế trong kinh doanh đầu tư bất động sản đang được hưởng lợi tốt hơn so với các lĩnh vực kinh doanh ngành nghề khác. Một ví dụ như việc Nhà nước mở đường cao tốc, nếu Chính phủ bỏ tiền làm đường bằng ngân sách của Nhà nước thì không vấn đề gì, nhưng nếu không thì sẽ thu từ nguồn ngân sách địa phương, thu phí cầu đường. Mà các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, những người dân đi trên tuyến đường đó đều phải nộp phí.
Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất chịu thuế phí nhiều nhất, tức là những chủ đầu tư kinh doanh quanh quanh khu vực đó chịu rất nhiều gánh nặng. Trong khi đó, những mảnh đất xung quanh tuyến đường đó lại được tăng từ 50 - 200% giá trị, thậm chí lên 300% giá trị vì vậy những người sở hữu những mảnh đất này đương nhiên hưởng lợi lớn nhất.
Rõ ràng, khi một người bỏ vốn vào bất động sản, họ cứ chờ việc xây dựng phát triển hạ tầng rồi bán lấy lời và chỉ phải nộp thuế 2%. Trong khi những công ty sản xuất, họ phải chịu thuế VAT 10%, khi có lời họ chịu tiếp 20% thuế trong kinh doanh như xăng dầu, cầu đường, nhiều thuế phí khác…
Như vậy, tổng chịu thuế kinh doanh sản xuất rất cao, trong khi những người đầu tư bất động sản không phải bỏ quá nhiều về trí tuệ, về cạnh tranh, sáng tạo, điều hành quản lý công nhân viên… chỉ việc chờ, không những không mất gì mà còn được hưởng nhiều lợi nhuận như vậy.
Thực tiễn này đã diễn ra suốt 20 năm qua và đang tiếp diễn. Đó là lý do tại sao thị trường bất động sản luôn thu hút nhiều nhà đầu tư mới, gây bão hòa thị trường, làm hoạt động kinh doanh lĩnh vực này chưa được hiệu quả. Những người đầu tư bất động sản đang chịu thuế rất thấp so với những người đầu tư sản xuất kinh doanh, họ đang được hưởng lợi lớn từ Nhà nước và cơ sở hạ tầng mà không phải chịu bất kỳ chi phí nào khác.
Với cách thu hiện nay, khi Nhà nước phát triển kinh tế địa phương, chi đầu tư hạ tầng lớn từ ngân sách, giúp giá đất tăng nhưng ngân sách không có khoản thu tương xứng, khiến chính quyền phải tăng các thuế phí thu trên mọi người dân là điều bất hợp lý và không cân bằng. Do đó, điều cần thiết nhất bây giờ là cần đánh thuế mạnh hơn nữa vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đánh thuế cao với những người sở hữu nhiều bất động sản.
PV: Theo ông, việc áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai như các nước trên thế giới sẽ đem lại những lợi ích như thế nào?
TS. Đinh Thế Hiển: Việc áp dụng đánh thuế bất động sản giúp bảo đảm quyền sở hữu cho người mua bất động sản, an toàn và sinh lời trên bất động sản đó.
Khi toàn dân nộp thuế này sẽ giúp Nhà nước có kinh phí cho các hoạt động an ninh quốc phòng, công an, chính quyền địa phương… góp phần phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương và giúp giá bất động sản tăng.
Vì thế, nếu chính quyền địa phương có nguồn thu thuế, quản lý giỏi, phát triển hạ tầng tốt sẽ khiến ai cũng muốn sở hữu bất động sản, giúp những bất động sản này được hưởng lợi nhiều hơn.
Ngoài ra, việc áp dụng đánh thuế bất động sản cũng tập trung hơn vào những bất động sản không được đưa vào sử dụng để tăng hiệu quả sử dụng đất, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên.
Nếu làm được điều này, chẳng ai còn thắc mắc việc sở hữu tài sản mấy trăm tỷ hay bao nhiêu tiền đi chăng nữa, mà chỉ cần biết, người ta đang nộp thuế trên tài sản của họ, mức nộp thuế hợp lý ít nhất từ 20% giá trị của căn nhà đó.
Như vậy, đánh thuế bất động sản là công bằng về việc sử dụng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.
PV: Cụ thể việc đánh thuế bất động sản nên được triển khai như thế nào, thưa ông?
TS. Đinh Thế Hiển: Tùy theo quan điểm, đặc điểm của mỗi quốc gia, nếu chúng ta chỉ có một căn nhà để ở thì đây được coi là tài sản cơ bản để ở, do đó, căn nhà này không cần nộp thuế. Khi chúng ta có nhiều hơn một căn nhà để ở, tức là nhiều tài sản lên thì cái phần hơn này phải nộp thuế hàng năm.
Quan trọng là việc điều tiết thu thuế sao cho đáp ứng đúng và đủ chi phí hạ tầng, đô thị thành phố, thu trong mức hợp lý để người đó vẫn có thể tăng tài sản mà không làm “thui chột” các hoạt động mua bán.
Hàng năm, nộp thuế bất động sản tính theo thời điểm giá trị của bất động sản đó. Người càng có nhiều bất động sản thì càng phải nộp thuế nhiều. Việc áp dụng thuế bất động sản là điều hiển nhiên phải được thực hiện chứ không phải áp dụng thuế chỉ để chống đầu cơ bất động sản, giảm giá nhà xuống như mọi người nghĩ.
Đối với một mảnh đất quy hoạch làm biệt thự từ 1 - 2 tầng không làm phá vỡ cảnh quan, không làm tăng độ nén xây dựng, mật độ dân số thì nộp thuế tính theo diện tích sẽ thấp. Nhưng nếu cùng mảnh đất đó mà khai thác xây dựng trung tâm thương mại, tòa văn phòng… với mật độ xây dựng lớn được Nhà nước cấp phép thì sẽ phải thu thuế cao hơn.
Hiện nay, các nước phát triển đã triển khai việc áp dụng thuế bất động sản từ lâu rồi, cho nên, khi một người muốn mua bất động sản mà không khai thác thì phải cân nhắc xem khả năng trước khi mua, còn nếu mua để khai thác thì phải tính toán chi phí thuế mà người sở hữu sẽ phải trả hàng năm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hoàng Trang
Reatimes.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận