00:33 07/02/2022

Thận trọng khi đầu tư bất động sản vùng ven

Chứng kiến sự sụt giảm của nguồn cung tại khu vực trung tâm, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang bất động sản vùng ven, tuy nhiên các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trước khi xuống tiền.

Trong bối cảnh bất động sản tại các khu vực trung tâm đang dần trở nên bão hòa, cùng với đó là đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho bất động sản vùng ven các đô thị lớn phát triển. Theo các chuyên gia nhìn nhận, đây là thị trường luôn giữ vững tính ổn định, phù hợp với mọi đối tượng trong xu hướng "ở" kiểu mới.

Thực tế cho thấy vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô tìm kiếm các bất động sản vùng ven, dẫn đến làm "nóng" thị trường bất động sản tại các khu vực xa trung tâm. Nhìn vào diễn biến của thị phần vùng ven với mức giá tăng nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư cho rằng các bất động sản khu vực này sẽ có giá trị lớn hơn khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - trước những áp lực về môi trường, công việc và cuộc sống, xu hướng nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên và chăm sóc sức khỏe đang được người dân Thủ đô lựa chọn nhiều nhất.

Các huyện vùng ven như Ba Vì, Sơn Tây, Hoài Đức, Thạch Thất... hay một số huyện tại tỉnh Hòa Bình đều có lợi thế là cận kề trung tâm Thủ đô Hà Nội với cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành sẽ trở thành nơi thu hút dòng tiền lớn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cho rằng, các nhà đầu tư cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư bất động sản vùng ven, bởi tính thanh khoản không cao và khả năng sinh lời chậm hơn so với khu vực ở trung tâm và thường phải mất từ 5 - 10 năm mới có khả năng tăng giá.

Theo TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế - cơ hội đầu tư bất động sản vùng ven cần phải tính đến tầm nhìn 3 năm chứ không nên lướt sóng ngắn hạn trong vài ba tháng. Có nhiều yếu tố cần phải thận trọng xem xét khi đầu tư bất động sản vùng ven sau những cú sốc nặng nề từ đại dịch.

Chính vì vậy, muốn đầu tư bất động sản vùng ven trong giai đoạn sống chung với đại dịch Covid-19, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị dòng tiền dài hạn. Bên cạnh đó, để biết được giá trị thực khu đất và tiềm năng phát triển trong tương lai thì nhà đầu tư nên lấy giá đất tại một điểm cụ thể nào đó để làm điểm nhấn, từ đó đối chiếu qua đất ở các vùng lân cận.

“Ngoài ra, cần phải chọn nơi có tốc độ đô thị hóa tương đối ổn định, ưu tiên những vùng có quy hoạch cảng, phát triển thương mại, khu công nghiệp lớn, kết nối giao thông thuận tiện. Nếu đã nhắm mục tiêu đầu tư bất động sản vùng ven, đừng chọn những nơi đã tăng giá quá cao vì cơ hội của khu vực từng sốt giá không còn nhiều”, TS Đinh Thế Hiển khuyến cáo.

 Nên đầu tư bất động sản vùng ven trong tầm nhìn dài hạn thay vì lướt sóng. (Ảnh minh họa)

Về cơ bản, thị trường bất động sản vùng ven được hỗ trợ bởi tốc độ đô thị hóa nhanh và hạ tầng kết nối đồng bộ, cùng với một mức giá khá mềm, nên chỉ khoảng từ 1 - 2 tỷ đồng là có thể đầu tư bất động sản vùng ven.

Thế nhưng, không phải ai đầu tư bất động sản vùng ven cũng sinh lợi nhuận, có những người "thắng lợi lớn" nhờ đất vùng ven nhưng cũng có những người thất bại. Vì vậy, để tránh phải "nếm trái đắng" khi ôm đất vùng ven, các nhà đầu tư cũng nên lưu ý các rủi ro có thể mắc phải.

Một trong những lưu ý hàng đầu là tính pháp lý của mảnh đất. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, mua đất vườn chia lô của dân để bán lại sẽ không bao giờ ế, cứ gom lại và chờ cơ hội khi hạ tầng đô thị phát triển sẽ làm tăng giá đất từ đó dễ dàng bán lại để kiếm lời, cho nên hàng loạt các nhà đầu tư đã "đổ xô" vào phân khúc này.

Mặt khác, ít người lường trước được rằng việc mua đất lẻ phân lô của các hộ dân thường rất phức tạp. Một số vấn đề liên quan đến việc người đứng tên chủ sở hữu hoặc chuyển đổi từ đất ruộng lên đất vườn, chưa kể đến các khả năng như đất có tranh chấp mà nhà đầu tư không biết.

Không chỉ tính pháp lý, mà người có nhu cầu mua đất vùng ven cũng nên tìm hiểu xem mảnh đất mình muốn mua có đang nằm trong diện quy hoạch giải toả nào không, liệu có thuộc vùng mở rộng của các khu công nghiệp không.

Bên cạnh đó, tiến độ thi công của các công trình hạ tầng giao thông, dịch vụ tiện ích phục vụ dân sinh như trường học, công viên, bệnh viện... cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhà đất. Trong trường hợp không may các dự án này bị treo thì bất động sản trong khu vực cũng bị ảnh hưởng về giá.

Bà Lê Thị Phương Lan - Trưởng Bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư nên chú ý đến tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch của mình. Mỗi cá nhân sẽ có những mục đích khác nhau tuy nhiên điểm then chốt vẫn là những tiêu chí cơ bản bao gồm: Tiềm năng phát triển, quy hoạch và hệ thống cơ sở hạ tầng.

Theo chuyên gia Savills, vùng phía Tây Hà Nội, Đông Anh hay Long Biên là những khu vực đang thu hút sự quan tâm từ phía nhà đầu tư. Mặc dù vậy, mỗi dự án sẽ có một đặc điểm khác nhau. Bên cạnh vấn đề về giá cả, nhà đầu tư cũng cần xem xét đến chất lượng của dự án, bao gồm cơ sở vật chất, các chứng nhận và tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp cho cả mục đích ở và cho thuê./.

Theo Hoàng Trang

Reatimes.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan