Nguồn thu từ quỹ đất là một trong những nguồn vốn được ghi tại các quyết định chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Quảng Ngãi năm 2022. Vì vậy, thành phố sẽ tập trung hoàn thành việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất đã phân lô...
Ảnh minh họa.
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong việc bán đấu giá toàn bộ các lô đất đủ điều kiện, thu ngân sách phục vụ đầu tư phát triển, năm 2022, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo hoàn tất các thủ tục và hoàn thành việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất đã phân lô.
Được biết, nguồn thu từ quỹ đất là một trong những nguồn vốn được ghi tại các quyết định chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Quảng Ngãi năm 2022. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng của các dự án là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, xây lắp chưa hoàn thiện, nhất là các vị trí đấu nối giao thông lớn, dẫn đến giá trị các lô đất không cao, cộng với đó tâm lý người mua cũng e ngại vì dự án chưa hoàn thiện.
Trước đó vào năm 2021, kết quả đấu giá đất của TP. Quảng Ngãi khá thấp. Theo báo cáo thì địa phương này thống nhất chủ trương, lập hồ sơ, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất tại 8 dự án, với 102 lô đất trên tổng diện tích hơn 16.000m2. Trong đó đã phê duyệt phương án, quyết định bán đấu giá 99 lô/hơn 14,6ha. Mặc dù vị trí lô đất được phê duyệt ở trung tâm TP. Quảng Ngãi, hoặc trung tâm các xã nhưng kết quả chỉ có 14 lô đất được tổ chức, cá nhân đấu giá trúng với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng.
Còn đối với các lô đất thừa, đất xen kẽ trong khu dân cư, theo thống kê có diện tích lên đến gần 17,6ha. Từ năm 2018, công tác thống kê và lập kế hoạch bán đấu giá đã được tính đến, song đến nay chưa có lô đất nào được tổ chức bán đấu giá.
Nguyên nhân dẫn đến việc bán đấu giá quỹ đất tại các khu dân cư năm 2021 không như kế hoạch, theo UBND TP. Quảng Ngãi là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản trầm lắng. Thêm vào đó, quy trình thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể trải qua nhiều bước dẫn đến tiến độ thực hiện bị chậm. Đối với quỹ đất xen kẽ có diện tích dưới 50m2 và nhiều góc cạnh thì lại không có cơ sở để bán đấu giá hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ liền kề, vì vướng về trình tự, thủ tục...
Được biết, thời gian vừa qua vấn đề đấu giá đất ở nhiều địa phương đã xảy ra tiêu cực làm ảnh hưởng tới thị trường bất động sản và tâm lý các nhà đầu tư. Vì vậy thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp thực hiện.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay cần quy định thống nhất về hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Bởi thực tế việc đấu giá này tại các địa phương đang thực hiện theo nhiều hình thức, trình tự khác nhau.
Ngoài ra cũng nên quy định thống nhất một số nội dung như: xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá); số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá; thời hạn người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, "thổi giá"...
Bộ Xây dựng còn đề xuất nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách của nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương cần chỉ đạo làm tốt khâu xác định giá khởi điểm để bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp tham gia; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến.
Theo Thanh Xuân
VnEconomy
0 Bình luận
Gửi bình luận