04:36 11/02/2022

Nhâm Dần 2022: Năm “bản lề” của nhà ở vừa túi tiền

Dự báo, "cơn khát" loại hình nhà ở xã hội sẽ được giải khi năm Nhâm Dần 2022, thị trường đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong vòng 4 năm từ 2016 - 2020, tỷ trọng nhà ở xã hội chỉ chiếm 2,5% trong tổng số lượng nhà ở phát triển theo dự án. Còn nhà ở thương mại giá thấp, vừa túi tiền dường như vắng bóng suốt 3 năm qua.

Những số liệu trên cho thấy thực trạng khan hiếm của loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở vừa túi tiền hiện nay, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung phần lớn người lao động nhập cư. Tuy nhiên những tín hiệu tích cực từ chính sách đến doanh nghiệp, dự báo năm 2022 sẽ là năm "bản lề" cho phát triển các loại hình nhà ở này.

Quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển cân bằng thị trường bất động sản nhà ở với hàng loạt chính sách sẽ được sửa đổi trong năm nay, cũng như sự chung tay của nhiều doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở vừa túi tiền được xem là những cơ sở vững chắc để năm Nhâm Dần 2022 được cho là năm "bản lề", mở ra một giai đoạn khởi sắc hơn cho loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vừa túi tiền.

Chiến lược của nhiều doanh nghiệp

Vừa qua, tại phía Nam, 3 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực địa ốc, vật liệu xây dựng đã công bố "Sáng kiến nhà ở vừa túi tiền" với mục tiêu xây dựng các căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Năm Nhâm Dần 2022 được cho là năm "bản lề", mở ra một giai đoạn khởi sắc hơn cho loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vừa túi tiền. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Bằng việc tận dụng các thế mạnh của các bên, chương trình xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín, từ quỹ đất đến chi phí quản lý xây dựng… giúp hình thành một căn nhà có chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp.

"Tôi nghĩ đã có rất nhiều doanh nhân đã nghĩ tới câu chuyện làm sao giúp được nhà giá rẻ, tuy nhiên nhà giá rẻ ở đây gồm nhiều bên, trước tiên là những chủ đầu tư sẵn sàng đầu tư vào những quỹ đất mà không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, chỉ nghĩ đến việc làm sao đảm bảo được chi phí", ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, Người khởi sướng "Sáng kiến nhà ở vừa túi tiền", cho biết.

Trong 10 năm tới, nhà ở xã hội vẫn là một trong những nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp này. Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở này sẽ trải đều khắp từ Bắc đến Nam.

"Đáp ứng được nhu cầu thực sự thì mới đem lại sự phát triển bền vững không chỉ cho doanh nghiệp mà cho xã hội. Như vậy trong 10 năm tới, chúng tôi đã hoạch định chiến lược để phát triển và mỗi năm như vậy quỹ đất phải phát triển như thế nào? Số lượng căn hộ ra sao? Ở những địa bàn nào? Chúng tôi đã có kế hoạch đó và quyết tâm thực hiện", ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Phát triển Căn hộ Nam Long, cho hay.

Hỗ trợ từ chính sách

Mới đây, Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025. Bên cạnh việc sửa đổi các chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở, Chính phủ cũng chỉ đạo phải hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ phát triển các loại nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

"Chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào năm 2022, bởi Chính phủ và Quốc hội sẽ sửa đổi, xây dựng mới Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, với các cơ chế chính sách mới để chúng ta thực hiện phát triển nhà ở trong 5 năm tới một cách cân đối hài hòa, lành mạnh, khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Ngoài ra, trong gói hỗ trợ Quốc hội công bố vừa qua cũng dành 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Kiến nghị nhiều giải pháp thu hút nhà đầu tư

Theo số liệu thống kê của Sở Xây Dựng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở trên địa bàn từ nay đến năm 2025 là khoảng 50.000 căn. Với một lượng nhà ở rất lớn này, chắc chắn cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do vậy, trong các nhóm giải pháp được Sở Xây Dựng đề xuất cho thấy nỗ lực gỡ các nút thắt để hút vốn đầu tư tư nhân, như việc rà soát, bố trí quỹ đất có sẵn hay cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.

Trong những năm qua, thủ tục đầu tư kéo dài là một trong những cản trở lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể thực hiện các dự án với giá vừa túi tiền.

"Nhà đầu tư tìm được đất, thỏa thuận đền bù được rồi, nhưng chỉ còn vướng thủ tục của một vài hộ dân hoặc thủ tục liên quan đến chuyện quyền sử dụng đất, nhưng kéo dài tới 2 - 3 năm thậm chí nhiều năm hơn nữa khiến nhà đầu tư nản lòng. Nếu nhà đầu tư có kiên trì phát triển thì chi phí cũng tăng lên rất cao", ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Phát triển Căn hộ Nam Long, Tập đoàn Nam Long, cho biết.

Trong những năm qua, thủ tục đầu tư kéo dài là một trong những cản trở lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể thực hiện các dự án với giá vừa túi tiền. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Trước tình trạng khan hiếm nhà giá rẻ, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà trong 10 năm tới.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, thành phố nên thử nghiệm một mô hình nhỏ hơn với các cơ chế chính sách thông thoáng, nhanh gọn mới thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

"Kế hoạch có thể rất lớn, nhưng có thể thực hiện với quy mô 5.000, 10.000 căn đầu tiên để chúng ta có thể thử nghiệm những chính sách, câu chuyện về điều phối cũng như hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong chuyện giải quyết bài toán này", ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, đánh giá.

Với giá đất liên tục tăng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp đó là tìm kiếm quỹ đất. Tại nhiều nước, bài toán quỹ đất được giải khi chính quyền có quy hoạch cụ thể cho các khu đất dành riêng cho loại hình nhà ở này, sau đó được mang đi đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

"Phải quy hoạch các khu vực để phát triển các loại nhà ở có giá vừa túi tiền. Bởi nếu chúng ta đi qua các nước xung quanh thì các khu nhà ở vừa túi tiền là các khu vực được quy hoạch riêng, có đầy đủ hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi, có đầy đủ tiện ích và dịch vụ đô thị", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Ông Châu cũng cho biết, Bộ Xây Dựng và Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đang đề xuất Chính phủ loạt cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng để thu hút nhà đầu tư như: có mức lãi suất cho vay ưu đãi, hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…

Theo Quỳnh Như
VTV.vn

 

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan