03:21 10/02/2022

M&A bất động sản vẫn tiếp tục “bùng nổ” trong năm 2022

Năm 2022, giới chuyên gia dự báo, M&A tiếp tục là hướng đi chính của doanh nghiệp bất động sản nhằm mở rộng quỹ đất và phát triển dự án mới.

Nghiên cứu mới đây từ JLL cho hay, đối với một thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính. Chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp là điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để thành công trong ngắn hạn và dài hạn.

Thực tế, mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều loại hình kinh doanh, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn.

Đơn cử mới đây, ông Angus Liew, Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land cho biết, năm 2021 doanh nghiệp này thông qua M&A để tìm kiếm các cơ hội mua lại nhiều dự án tại Việt Nam. Môi trường M&A của Việt Nam đang đầy hào hứng, tăng trưởng kinh tế tích cực nên hiện tại không chỉ Gamuda Land mà nhiều doanh nghiệp ngoại đều xác định đây là thị trường trọng điểm đầu tư, là thời điểm để nắm bắt cơ hội lớn. Điều này sẽ khiến hoạt động M&A tại Việt Nam có tính cạnh tranh cao và sẽ bùng nổ trong năm 2022.  

Tương tự, Novaland - một đại gia nổi danh với hàng loạt thương vụ M&A cũng đang đẩy mạnh hoạt động thâu tóm hàng trăm héc-ta đất tại nhiều địa phương. Doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tìm kiếm các quỹ đất ở Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết... để phát triển khu đô thị và bất động sản du lịch.

Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản không thể không kể đến là Hưng Thịnh. Hiện quỹ đất phát triển của doanh nghiệp này lên tới 4.500ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các chuyên gia dự báo, cuộc đua thâu tóm bất động sản của các doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính thông qua các thương vụ M&A sẽ tiếp tục sôi động. Bởi, thị trường sẽ còn nhiều biến động do quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt; các chủ đầu tư yếu kém không trụ được trước khó khăn sẽ buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác chất lượng hơn; quy định về đóng cửa biên giới và các hạn chế đi lại sẽ còn là trở ngại với đầu tư ngoại… Đây chính là cơ hội cho M&A để thay đổi diện mạo thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Không dừng lại ở thay đổi diện mạo cho thị trường, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải coi M&A là giải pháp để tự mình lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh. Hoạt động M&A không chỉ là thu gom tài sản để lớn lên mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết, kiến tạo giá trị và đóng góp cho cộng đồng.

Cuộc đua thâu tóm bất động sản của các doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính thông qua các thương vụ M&A sẽ tiếp tục sôi động. (Ảnh minh hoạ)

Còn ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch, bất động sản vẫn là một trong các lĩnh vực có tổng giá trị giao dịch M&A cao nhất (cùng với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính). Thêm vào đó, các giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD ngày càng nhiều hơn và doanh nghiệp trong nước cũng đóng vai trò chủ đạo.

Trong năm 2022, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A. Lý do quan trọng là các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn.

Hiện có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất “khát” đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành.

M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Các doanh nghiệp hùng mạnh cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm các khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng lên.

Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, việc các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A trong năm vừa qua cũng khá dễ hiểu. Sự am hiểu thị trường nội địa là ưu thế lớn, đặc biệt là thị trường vùng ven hay các tỉnh thành mới nổi về phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp ngoại cũng rất hiểu điều này và đặc biệt tôn trọng sự thấu hiểu thị trường địa phương của doanh nghiệp Việt Nam cũng như rất muốn có được sự hợp tác, cộng hưởng.

Cũng theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, M&A được coi là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản. Cuộc đua này tốt cho cả thị trường và có thể giúp các dự án đang gặp khó khăn “hồi sinh” sau khi được M&A; đồng thời cũng giúp gia tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, góp phần hồi phục và ổn định lại thị trường này.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, dù nhiều thương vụ M&A còn đang trong giai đoạn đàm phán và rà soát pháp lý, nhưng đây vẫn được xem là yếu tố tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Quang nhận định./.

Theo An Vũ

Reatimes.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan