Theo các chuyên gia, giá bất động sản tăng cao thời gian qua đã khiến khả năng mua nhà của người dân ngày càng khó khăn hơn, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy và sự chênh lệch giàu nghèo.
Giá bất động sản tăng "nóng"
Thời gian vừa qua, chỉ số lạm phát luôn đứng trước áp lực gia tăng trong khi giá nhà vẫn luôn được dự báo tăng, chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản 2022 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, chiến tranh sẽ càng làm tăng thêm thách thức cho thị trường, lạm phát sẽ đẩy áp lực tăng giá bất động sản.
Anh Trần Bảo (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hiện nay anh đang có nhu cầu mua nhà ở thực tuy nhiên đang lo nếu lạm phát tăng mạnh, giá nhà tăng thêm thì cơ hội mua nhà của anh sẽ càng khó khăn hơn, nhất là khi các chi phí sinh hoạt đều đang tăng cao, nhưng mức thu nhập của anh thì vẫn không thay đổi.
Cùng chung nỗi niềm, chị Lê Trang, người mới chuyển sang lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng đang băn khoăn: “Trước tình hình kinh tế đang liên tục có nhiều dấu hiệu chuyển biến, tôi đang không biết có nên mạnh dạn xuống tiền đầu tư bất động sản trong giai đoạn hiện nay không?”.
Lạm phát tăng cao sẽ khiến giá nhà, đất tăng cao. (Ảnh minh họa)
Ngược lại, anh Việt Hải (môi giới bất động sản lâu năm tại Hà Nội) cho biết, thông thường trước tình hình lạm phát, biến động giá vàng càng khiến nhiều người tìm đến kênh đầu tư bất động sản vì họ coi đó là kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, lạm phát sẽ càng giúp đẩy giá nhà đất tăng thêm dù 2 năm qua dịch bệnh đã khiến bất động sản tăng mạnh.
“Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn luôn tăng nhiều hơn là giảm trong nhiều năm qua. Bên cạnh yếu tố lạm phát, thì trước mắt nguyên nhân tác động đến việc tăng giá bất động sản thời gian qua vẫn là do tín dụng ngân hàng, hạ tầng cải thiện, khan hiếm nguồn cung bất động sản”, anh Hải chia sẻ.
Giới chuyên môn nhận định, khi có thông tin lạm phát, người dân sẽ tìm kênh trú ẩn tài sản, trong đó bất động sản luôn được chọn đầu tiên và mang tính tương đối an toàn. Mặt khác, nhu cầu bất động sản lúc nào cũng gia tăng nên giá bất động sản đã tăng nay càng tăng. Song, giao dịch bất động sản vẫn trầm lắng vì người mua đã rất thận trọng, dù thông tin giá nhà đất ngày càng tăng cao nhưng thị trường không có thông tin minh bạch nên không xác định được giá ở vùng nào có thể giao dịch được.
Nhiều hệ lụy từ giá nhà tăng cao
Giá bất động sản tăng cao thời gian qua đã khiến khả năng mua nhà của người dân ngày càng khó khăn hơn, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy và sự chênh lệch giàu nghèo.
Bên cạnh đó, giá đất tăng không đúng giá trị thực đang dẫn tới nguy cơ trầm lắng cho nền kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà ở giá thấp. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp, lồng ghép vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế cho phát triển loại hình nhà ở này.
Các chuyên gia cho rằng, giá bất động sản tăng cao sẽ tạo ra nhiều hệ lụy và sự chênh lệch giàu nghèo. (Ảnh minh họa)
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị được đầu tư, phát triển nhanh hiện nay làm tăng giá trị của đất đai, đấy là nguyên lý của thị trường. Tuy nhiên, mức tăng giá đất hiện nay đang không tương thích với mức độ tăng đầu tư. Tức là giá trị bất động sản sẽ tỷ lệ thuận với việc đầu tư, nhưng trong trường hợp đầu tư 1 mà giá tăng 3 - 4 lần là bất hợp lý. Sự tăng giá mạnh của nhà đất trong thời gian ngắn có "độ ảo", có những nơi giá tăng như "dựng đứng" không đúng với giá trị thật và tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung các dự án khan hiếm trong khi lực cầu thị trường mạnh. Song không ít cầu "ảo" đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào bất động sản hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư "lướt sóng".
"Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là 'cò đất' bán đi bán lại qua tay. Điều này tạo ra hiện tượng "nóng, sốt đất", nhưng người mua thật ít. Các nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021, khi nhiều người chạy theo phong trào và đã chịu lỗ", ông Đính chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra nhận định, đầu tư vào đất đai mà mang tính đầu cơ, kiếm lời là một trong những nguy cơ, ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế trong tương lai. Ngoài ra, giá bất động sản tăng còn ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ. Thị trường bất động sản và tiền tệ quan hệ lưu thông với nhau, vì vậy, các dòng tiền đổ hết vào thị trường bất động sản dễ gây nguy hiểm cho hệ thống tiền tệ, dẫn đến lạm phát.
Để hạn chế rủi ro cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng và xem xét bố trí nguồn vốn hợp lý, hạn chế việc đổ tiền vào bất động sản, bố trí nguồn vốn hợp lý cho các lĩnh vực kinh doanh sản xuất khác./.
Theo Thiên Anh
Reatimes.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận