18:58 09/01/2024

Chuyển động thị trường bất động sản 2024, dưới góc nhìn chuyên gia

Những tín hiệu phục hồi tích cực trên thị trường bất động sản trong quý 4/2023 được nhận định là điều kiện để bất động sản “đảo chiều” phục hồi vào năm 2024 với các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục được cải thiện.

Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia trong Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 (VREF 2024) với chủ đề “Vượt qua thách thức” vừa được diễn ra sáng ngày 5/1 tại Hà Nội.

Sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ đạo, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức và giao Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng VARs Connect thực hiện.

Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 (VREF 2024) có sự xuất hiện của nhiều chuyên gia uy tín trong nước và Quốc tế

Nhiều trợ lực hỗ trợ bất động sản phục hồi

Phát biểu khai mạc VREF 2024, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng.

Nhìn lại quãng thời gian kể từ tháng 5/2022, cho đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã bị phủ bởi “gam màu xám xịt, ảm đạm” khi hàng nghìn dự án phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm đóng cửa. Việc này kéo theo hàng ngàn Môi giới Bất động sản phải bỏ nghề mà nguyên nhân đến từ sự biến động của tình hình kinh tế thế giới, sự lạc hậu của một số bộ luật…

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo tích cực từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành, cùng sự nỗ lực của tất cả doanh nghiệp bất động sản, càng về cuối năm, thị trường càng đón nhận những tín hiệu tích cực hơn.

TS Nguyễn Văn Đính phát biểu khai mạc sự kiện

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản. 

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, đến nay trong giai đoạn 2021 – 2030, trên địa bàn cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng

Nhìn nhận về sự phát triển của thị trường nhà ở, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, thời gian vừa qua, việc thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp mặc dù chưa được như kỳ vọng. Nhưng đây là đề án đầy tính nhân văn, góp phần rất lớn vào công cuộc an sinh xã hội.  

“Với những kinh nghiệm đã có trong thời gian vừa qua, cùng những “điểm mở” trong Luật mới được thông qua và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ, sẽ góp phần tích cực giúp phân khúc nhà ở xã hội đủ lực để phát triển và đạt các kết quả ấn tượng trong năm 2024. Nhất là khi nhu cầu đối với phân khúc này hiện đang rất cao, thậm chí sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian sắp tới”, ông Hoàng Hải nhận định.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ tại VREF 2024

Nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sẽ dẫn dắt thị trường

Báo cáo của VARS chỉ ra, quý 4/2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự cải thiện cả về nguồn cung, giao dịch. Trong đó, có khoảng 7.000 sản phẩm lần đầu tiên ra mắt thị trường, tính chung tổng nguồn cung đạt 21.774 sản phẩm, tăng 6% so với quý 3/2023.

Số lượng giao dịch đạt 5.710 sản phẩm, tương đương với quý 3/2023 và gấp đôi so với các quý đầu năm. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục được cải thiện, đạt 26%, tăng 12 điểm % so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương với quý 3/2023.

Chia sẻ về trợ lực hỗ trợ bất động sản phục hồi, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS đánh giá, Chính phủ, các cơ quan ban ngành và hệ thống ngân hàng đã có một năm tương đối “bận rộn” với thị trường bất động sản.

Tính đến cuối năm 2023, đã có tất cả 22 động thái hỗ trợ được ban hành. Trong đó, nổi bật nhất là Nghị định 08/2023/NĐ-CP khi trở thành “chiếc phao cứu trợ” có tác dụng trực diện ngăn “sự đổ vỡ” lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về tình hình hoạt động Môi giới Bất động sản 2024, bà Phạm Thị Miền cho rằng, ngành bất động sản sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30-40% Môi giới Bất động sản, đặc biệt ở thời điểm cuối năm 2024, số lượng này càng có xu hướng tăng lên.

Các chương trình mở bán, quy mô lớn, cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục, được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm, sinh tồn rất cao của các Chủ đầu tư trong nỗ lực vượt qua khó khăn.

Phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trên cơ sở các kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2023. Đặc biệt, hoạt động M&A tiếp tục duy trì độ nhiệt với nhiều hơn các thương vụ thành công có sự tham gia của các doanh nghiệp nội.

Về phân khúc bất động sản thương mại - bán lẻ, sự xuất hiện của các nhà đầu tư bán lẻ quốc tế và Việt Nam như Centralreital Việt Nam, Tập đoàn Aeon Mall, Tập đoàn Lotte, Thaco… đang tranh thủ gia tăng thị phần, tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Dự báo, trong năm 2024, lực cầu phân khúc bất động sản thương mại - bán lẻ sẽ có cơ hội được cải thiện khi tình hình kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng phục hồi. Tuy nhiên, phải đến khoảng 2025 thì các nguồn cung này mới chính thức được khai trương và đưa ra thị trường.

“Mặc dù, chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng đây chính là “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Phân khúc bất động sản nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024”, bà Miền nhìn nhận.

VREF 2024 hỗ trợ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình thị trường bất động sản 2023 và dự báo tình hình thị trường 2024

Dưới góc nhìn về tình hình kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, TS Kinh tế, Biên tập viên cao cấp, Thư ký Hội đồng khoa học – nghiệp vụ Báo Nhân dân nhận định, thời gian vừa qua, tình hình kinh tế thế giới đã tác không nhỏ tới sự phát triển của ngành bất động sản.

Bước sang 2024, thị trường sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thị trường sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực, cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào lẫn đầu ra…

Minh chứng và căn cứ cho dự báo lạc quan này là kết quả ghi nhận các giao dịch trên thị trường về giao dịch trong năm 2023 đã có đà tăng liên tục về quy mô theo thời gian, đạt tổng 2.700 giao dịch trong quý 1/2023; 3.700 giao dịch trong quý 2/2023 và 6.000 giao dịch trong quý 3/2023.

Thời gian tới, để đảm bảo an toàn, tạo sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện về mặt thể chế thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, cần tiếp tục các chính sách tài khóa liên quan đến vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công để hỗ trợ chính sách tiền tệ. 

Tiếp đó cần sự chung tay của tất cả các bên, nhất là cơ quan quản lý, tổ chức phát hành và đơn vị trung gian và trái chủ; tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch nhanh chóng cho các nhà đầu tư sau khi thực hiện phát hành xong.

“Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm; tiếp tục cải thiện chất lượng dự án và củng cố niềm tin nhà đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán”, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Quang cảnh sự kiện

 

0 Bình luận

Gửi bình luận