Thị trường bất động sản trung tâm dữ liệu của châu Á Thái Bình Dương tiếp tục phát triển với tốc độ không ngừng và sẵn sàng để trở thành khu vực trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Theo báo cáo về thị trường toàn cầu năm 2022 với phân khúc bất động sản trung tâm dữ liệu từ công ty tư vấn Cushman & Wakefield, Singapore là thị trường dẫn đầu châu Á (thứ 2 trên toàn cầu), trong khi Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 2 ở châu Á (thứ 6 trên toàn cầu). Thành phố đứng thứ 3 tại châu Á là Sydney (thứ 8 toàn cầu).
Bất chấp lệnh cấm xây dựng mới hiện tại, Singapore vẫn là một địa điểm mạnh để triển khai trung tâm dữ liệu, đưa thị trường này lên đầu bảng xếp hạng trong khu vực, đồng thời đứng thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Thung lũng Silicon nổi tiếng tại Mỹ. Kết quả này cũng là minh chứng cho hệ sinh thái lớn mạnh, khả năng kết nối tuyệt vời, nhu cầu nhất quán và tất cả các dịch vụ đám mây chính đều có sẵn cũng như đang mở rộng nếu có thể.
“Triển vọng của châu Á Thái Bình Dương là rất tích cực, với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia yêu cầu cải tiến hơn nữa trong dịch vụ đám mây cũng như nhiều chính phủ trong khu vực theo đuổi quyền truy cập dịch vụ trực tuyến. Đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư vào lĩnh vực này và chúng tôi mong muốn tiếp tục tận dụng kinh nghiệm, chuyên môn cũng như khả năng tiếp cận các mối quan hệ và nguồn cung cấp để thúc đẩy cơ hội tại châu Á”, Todd Olson, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết.
Nằm ngoài Top 10 vào năm 2021, Hong Kong đã có bước nhảy vọt vào năm 2022 để đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 6 toàn cầu. Thị trường này cung cấp một quy trình phát triển mạnh mẽ, mạng lưới kết nối liên tục và tất cả các dịch vụ đám mây chính đều có sẵn. Dự kiến sẽ có sự tăng trưởng đáng kể hơn nữa ở Sydney, Seoul và Tokyo trong năm nay, vì những thị trường này vẫn còn một số quỹ đất chưa được sử dụng.
Sự phát triển của thị trường thứ cấp
Thị trường thứ cấp tiếp tục phát triển nhanh chóng, đến mức nhiều thị trường sẽ trực tiếp bỏ qua quy mô thị trường sơ cấp trong vòng 3 - 5 năm tới. Một số ví dụ có thể kể đến như Jakarta, Osaka, Seoul và một số thị trường cốt lõi trên khắp Ấn Độ. Hyperscalers là động lực đằng sau sự phát triển này, kết hợp với sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc. Do đó, nhu cầu về công suất sử dụng mới trên diện rộng là rất lớn trong khu vực đông dân này.
Kevin Imboden, Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao của Cushman & Wakefield về bất động sản trung tâm dữ liệu cho biết: “Đường chân trời cho ngành trung tâm dữ liệu trên toàn khu vực đặc biệt tươi sáng, nhờ vào nhu cầu ở mức cao và hàng tỷ USD đang trong quá trình phát triển để hỗ trợ những người thuê từ các quốc gia khác. Các nhà máy với tổng công suất lên tới 1,3 gigawatt đang được xây dựng tại các thị trường APAC được đánh giá là một phần nhỏ của những gì sẽ phát triển trong khu vực. Sự tăng trưởng sẽ còn diễn ra trong thập kỷ tới”.
Trên toàn cầu, tổng số công trình xây dựng tiếp tục tăng, với số lượng nhà máy có tổng công suất 4,1 gigawatt hiện đang được triển khai tại các thị trường lớn. Các khách hàng lớn nhất tiếp tục yêu cầu các công trình lớn hơn, đặc biệt là các công ty công nghệ.
Các khu vực trên khắp châu Mỹ Latinh và châu Phi cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng đáng kể trong những năm tới, do những thị trường này hiện chưa đủ cơ sở hạ tầng để phát triển. Các thị trường thứ cấp trên toàn thế giới tiếp tục phát triển, với nhiều thị trường sẽ sớm đạt được quy mô thị trường cấp cao hiện nay./.
Theo Anh Nguyễn
Cafeland
0 Bình luận
Gửi bình luận