Bộ Tài chính thông tin, trong số 49 bộ, cơ quan trung ương gửi phương án phân bổ vốn, có 22 bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ hết số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính đánh giá, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện phân bổ, nhập dự toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các dự án để thực hiện.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Chính phủ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, đảm bảo năng lực và khả năng thực hiện của dự án, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 01/01/2022, việc quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ và triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021, ngay từ tháng 01/2022, Bộ Tài chính tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương thực hiện phân bổ, nhập dự toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các dự án để thực hiện.
Bộ Tài chính nêu rõ, hiện có 49/51 bộ, cơ quan trung ương thực hiện phân bổ vốn và gửi phương án phân bổ đến Bộ Tài chính, chỉ còn Bộ Y tế và Hội Luật gia Việt Nam chưa gửi phương án phân bổ.
Triển khai Nghị định này, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 theo phương án của các bộ, cơ quan trung ương.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính thực hiện nhập và phê duyệt dự toán cho từng dự án đủ điều kiện bố trí vốn trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để làm căn cứ giải ngân vốn theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
Đối với các dự án đủ điều kiện bố trí vốn nhưng phương án phân bổ vốn chưa đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ hoặc chưa được các bộ, cơ quan trung ương nhập dự toán trên TABMIS, Bộ Tài chính đề nghị: “Các bộ, cơ quan trung ương cung cấp đầy đủ thông tin dự án theo quy định, khẩn trương nhập dự toán trên TABMIS theo phân cấp để Bộ Tài chính có cơ sở phê duyệt làm căn cứ giải ngân vốn”.
Trong đó, đối với số vốn bố trí để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương hoàn thành ngay việc nhập dự toán trên TABMIS, đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước triển khai ngay các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hạch toán thanh toán cho dự án theo quy định.
Đối với dự án khởi công mới chưa đủ thủ tục đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục mở tài khoản, cấp mã số đơn vị quan hệ với ngân sách để có cơ sở nhập và phê duyệt dự toán trên TABMIS để làm căn cứ giải ngân vốn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương chỉ đạo chủ đầu tư chủ động đăng ký tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, đồng thời ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu hoặc có nhu cầu tạm ứng theo tiến độ hợp đồng, khẩn trương hoàn thiện thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát và giải ngân, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Riêng đối với vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính theo quy định.
Đối với phần vốn chưa phân bổ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương báo cáo rõ nguyên nhân chưa phân bổ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Hà An
Thời báo Ngân hàng
0 Bình luận
Gửi bình luận