Theo Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, tại 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở có tất cả 9.191 lô, số lô đấu thành 7.720 lô, số lô bỏ cọc là 1.471. Tổng giá bán khởi điểm hơn 10.000 tỷ đồng; tổng số tiền trúng đấu giá thu được hơn 11.800 tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch hơn 1.600 tỷ đồng…
Ảnh minh họa.
Tại hội nghị đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh cho biết, những năm gần đây các hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đấu giá tài sản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đấu giá tài sản thi hành án; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất ở.
Trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất ở được thực hiện thường xuyên và có giá trị lớn. Qua hai năm 2020-2021, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, số lô đấu thành 7.720 lô, số lô bỏ cọc là 1.471. Tổng giá bán khởi điểm là hơn 10.000 tỷ đồng; tổng số tiền trúng đấu giá thu được là hơn 11.800 tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch là hơn 1.600 tỷ đồng.
Sở dĩ còn xảy ra tình trạng bỏ cọc, theo Sở Tư pháp là do hoạt động đấu giá tài sản có tính chất phức tạp, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản vẫn phụ thuộc vào sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan. Từ đó hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này ở một số mặt còn chưa cao. Ngoài ra công tác phối hợp trong giám sát các cuộc đấu giá có lúc chưa được tốt; công tác thanh tra, kiểm tra đấu giá chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm đối với hoạt động đấu giá tính răn đe thấp.
Liên quan đến vấn đề trên thì tại hội nghị, phía UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhận định: một số địa phương hiện việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất chưa thực sự sát giá thị trường. Đặc biệt vẫn còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự khi diễn ra đấu giá, vi phạm trong việc gia hạn nộp tiền, hủy kết quả trúng đấu giá, tình trạng “bỏ cọc”, hiện tượng “cò mồi” đẩy giá làm nhiễu loạn thị trường bất động sản… dẫn đến thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Căn cứ vào tình hình thực tế, để công tác đấu giá tài sản thời gian tới đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá cần tăng cường theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Đồng thời Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh thực hiện việc giám sát các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở và đất dự án trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ hoạt động giám sát theo quy định.
Cùng với đó phải tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, đặc biệt là giám sát trực tiếp các cuộc đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất ở, đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Được biết không chỉ Bắc Giang mà khu vực miền Bắc còn có nhiều địa phương khác đã xảy ra tình trạng đấu giá bỏ cọc. Điển hình như Hà Nội, hơn 3 tháng sau khi có kết quả trúng đấu giá, 4 lô đất khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cơ quan chức năng phải làm thủ tục để ra quyết định huỷ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá do chủ đầu tư bỏ cọc. Đáng chú ý, các lô đất trên không phải là những lô được đấu giá cao nhất trong tổng số 25 lô đất khu X4 đã được đấu giá vào cuối tháng 10/2021.
Tương tự, UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cách đây ít ngày cũng phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 46 lô đất ở xã Xuân Sinh, do những người trúng đấu giá không nộp tiền, bỏ cọc.
Theo Thanh Xuân
VnEconomy
0 Bình luận
Gửi bình luận