10:43 29/09/2023

VARS dự kiến hợp tác trao đổi dữ liệu về bất động sản toàn cầu cùng AMRO

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam làm việc với đoàn công tác của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) về các lĩnh vực liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam.

Ngày 28/9 tại Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã tiếp và làm việc với Đoàn Khảo sát của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) do TS. Sumio Ishikawa, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế; bà Wanwisa Vorranikulkij, Chuyên gia kinh tế cấp cao; TS. Sungtaek Kwon, Chuyên gia kinh tế cấp cao; TS. Jade Vichyanond, Chuyên gia kinh tế; TS. Vũ Thành Trung, Trợ lý trong lĩnh vực kinh tế; TS. Siang Leng Wong Chuyên gia cấp cao về lĩnh vực tài chính, cùng các cộng sự.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (bên phải) và Tiến sĩ Sumio Ishikawa Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế tại buổi làm việc. Ảnh: Tùng Dương.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore là một tổ chức quốc tế thực hiện khảo sát kinh tế vĩ mô và tài chính của các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiệm vụ chính của AMRO là khảo sát và làm việc với các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, chuyên gia địa phương và những người tham gia thị trường về các lĩnh vực quan tâm. Sau đó Nhóm Khảo sát sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và chuẩn bị báo cáo tham vấn hàng năm cho Chính phủ Việt Nam.

Buổi làm việc nhằm trao đổi ý kiến với các chuyên gia kinh tế hàng đầu của AMRO về các lĩnh vực liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam, đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để tạo mối quan hệ hợp tác với AMRO trong việc nghiên cứu phát triển thị trường bất động sản sau này.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã tiếp và làm việc với Đoàn Khảo sát của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã thông tin tổng quan tình hình chung về thị trường Bất động sản Việt Nam hiện nay.

Theo ông Đính, thị trường Bất động sản Việt Nam là một thị trường tương đối trẻ, chính thức hình thành và phát triển hơn 20 năm. Trong 10 năm trở lại đây kể từ sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường đã có sự tăng trưởng rất nóng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, thị trường đã bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết, tuy chưa tới mức khủng hoảng như giai đoạn 10 năm trước, nhưng những nút thắt từ pháp lý tới dòng vốn đang khiến thị trường tắc nghẽn, từ đó cũng gây cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Giữa năm 2022, hàng loạt các thông tin cùng với những cơ chế, chính sách siết chặt thị trường bất động sản khiến nguồn cung sụt giảm mạnh. Thanh khoản ảm đạm của thị trường ngày càng suy yếu. Đầu quý I/2023, thị trường bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn nhờ vào những động thái quyết liệt của Chính phủ thông qua việc bán hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trao đổi tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đã thông tin tổng quan tình hình chung về thị trường Bất động sản Việt Nam hiện nay. Ảnh: Tùng Dương.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng giao dịch 3 quý đạt chỉ khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chưa được 10% so với cùng thời điểm 2018, 2019, trước đại dịch Covid-19. Chính phủ dường như đang quan sát rất kỹ tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp và môi giới bất động sản để có những chỉ đạo sát sao nhất, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhóm đối tượng này. Đặc biệt, Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, từng bước gỡ khó cả về câu chuyện pháp lý các dự án, trái phiếu, và đặc biệt dòng vốn khi chính sách kinh tế vĩ mô “đổ nền” đủ tốt, nhờ đó giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ hội điều chỉnh hạ lãi suất điều hành.

Mới đây nhất, việc quyết định tạm hoãn thực hiện một số quy định hạn chế cho vay trong Thông tư số 06/2023/TT-NHNN trước những ý kiến phản hồi và đề xuất của các đối tượng tham gia thị trường cũng cho thấy sự lắng nghe, đồng hành và ủng hộ từ phía Chính phủ. Trong quý I/2023, giao dịch rất thấp khoảng 3.000 sản phẩm, sang quý II/2023 lên 4.000 sản phẩm. 2 tháng đầu của quý III/2023 đã có khoảng 200 - 300 dự án quay trở lại chào bán với gần 5.000 sản phẩm được giao dịch thành công. Mặc dù số tăng so với thời điểm bình thường còn rất nhỏ, nhưng điều này cho thấy đã bắt đầu có dấu hiệu về khả năng mua bán trên thị trường.

TS. Sumio Ishikawa Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế đánh giá cao các nghiên cứu và nguồn thông tin từ VARS. Ảnh: Tùng Dương.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore là một tổ chức quốc tế thực hiện khảo sát kinh tế vĩ mô và tài chính của các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Tùng Dương.

Buổi làm việc nhằm trao đổi ý kiến với các chuyên gia kinh tế hàng đầu của AMRO về các lĩnh vực liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam, đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để tạo mối quan hệ hợp tác với AMRO trong việc nghiên cứu phát triển thị trường BĐS sau này. Ảnh: Tùng Dương.

TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, khác với quá trình phát triển như mạnh mẽ ở giai đoạn trước, thị trường sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững hơn.

Kết thúc buổi làm việc, TS. Sumio Ishikawa, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế đánh giá cao các nghiên cứu và nguồn thông tin từ VARS, lãnh đạo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng cho biết sẽ nghiên cứu hợp tác về trao đổi dữ liệu thông tin giữa hai bên, nhằm hoàn thiện các báo cáo nghiên cứu thị trường, đưa đến những đánh giá chung, dự báo vĩ mô.

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan