05:19 19/11/2022

TS. Nguyễn Văn Đính: "Nhiều khó khăn của doanh nghiệp BĐS sẽ được tháo gỡ, khôi phục niềm tin với thị trường"

Chỉ hơn 1 tuần sau cuộc họp với doanh nghiệp bất động sản, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản với kỳ vọng sẽ giúp thị trường bớt khó khăn.

Chiều 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1435/QĐ-TTg Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.

Đây là quyết định kịp thời nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn đang bủa vây xung quanh doanh nghiệp và thị trường bất động sản, trong đó, việc khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được trao quyền hạn rất lớn

Bình luận về quyết định này, trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, đây là quyết định có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường bất động sản tại thời điểm khó khăn hiện nay.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Reatimes)

“Trong cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản ngày 8/11, các doanh nghiệp cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập ‘ban công tác đặc biệt’ hoặc ‘tổ công tác đặc biệt’ để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự. Chỉ sau hơn 1 tuần đã có quyết định thành lập Tổ công tác và có hiệu lực thi hành ngay. Có thể thấy, Chính phủ đã hành động rất nhanh, quyết liệt và kịp thời”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dòng tiền yếu, thanh khoản giảm, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hạn chế, nhiều dự án “trùm mền” đã lâu. Theo TS. Nguyễn Văn Đính, nếu để thị trường tiếp tục chờ đợi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong lúc chờ Luật Đất đai mới và một số luật liên quan có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cụ thể tại các dự án đô thị, nhà ở. 

Ở khía cạnh tích cực khác, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, qua nhiều giai đoạn khủng hoảng thị trường bất động sản những năm 2008, 2013, Chính phủ cũng đã có những chính sách can thiệp linh hoạt để kích hoạt lại thị trường. Những gói hỗ trợ kinh tế hay Nghị quyết 02/NQ-CP cải thiện tín dụng nhà ở đã tạo cú hích cho thị trường. Hay chủ trương chia nhỏ căn hộ diện tích lớn theo Thông tư 02/2013/TT-BXD, mà không cần sửa quy hoạch đã góp phần làm “tan băng” thị trường bất động sản thời điểm đó. Gần đây, gói hỗ trợ kích cầu sau đại dịch với 350.000 tỷ đồng đã tạo ra nhiều hiệu quả trong việc xử lý khủng hoảng. Do vậy, việc quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ thị trường thời điểm hiện tại sẽ có thể mang lại những kết quả tích cực.

Cụ thể, Tổ công tác bao gồm thành viên các Bộ, ban ngành có vai trò cốt cán đối với thị trường bất động sản như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Quốc hội, được giao nhiệm vụ cụ thể là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trực thuộc trung ương. Đồng thời tham mưu, kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.

Đặc biệt, TS. Nguyễn Văn Đính nêu rõ, Quyết định nhấn mạnh, Tổ công tác sẽ được yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, kiến nghị giải pháp giải quyết. Đồng thời, được mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác chịu trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu.

"Như vậy là Tổ công tác được trao quyền hạn rất lớn và chủ động, tôi cho rằng sẽ có những tồn đọng được linh hoạt giải quyết ngay mà không cần chờ thông qua Luật Đất đai hay các luật liên quan, thậm chí là Nghị định hướng dẫn”, ông Đính chia sẻ.

Các dự án đang chờ tháo gỡ những gì?

Chuyển nhượng dự án là một trong các biện pháp giúp khôi phục và khởi động lại các dự án tạm ngừng thi công, góp phần tăng nguồn cung nhà ở và giải quyết được lượng lớn hàng tồn kho khi đã đầy đủ về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có một dự án được xem xét đủ điều kiện chuyển nhượng. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung quỹ đất dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dự án mới thì những vướng mắc về mặt pháp lý vẫn là nguyên nhân chính.

Nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa thể hoàn thiện kỳ vọng được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. (Ảnh minh họa: IT)

Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, hiện pháp lý vẫn là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn khi triển khai các dự án bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất, nhưng việc gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện.

Điểm đáng mừng là trong Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, đã nêu đích danh việc hỗ trợ các dự án bất động sản và hàm ý này xuyên suốt quyết định phần nào đã giải tỏa được những lo lắng trên thị trường. Việc cho phép doanh nghiệp, chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất là giải pháp đã được doanh nghiệp đề xuất và hy vọng tới đây sẽ được Tổ công tác quyết liệt tháo gỡ. Sau đó sẽ có giải pháp sửa đổi Nghị định 100 và Nghị định 49 để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.

“Ngoài việc nghiên cứu hoàn thiện và đồng bộ về mặt pháp luật, chúng tôi rất tin tưởng tổ công tác sẽ tháo gỡ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định số phận của dự án”, ông Đính nêu.

Đối với tiêu chí về đất công xen kẽ trong dự án, theo TS. Nguyễn Văn Đính, các doanh nghiệp đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành các dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại nghị định 148 nhằm tháo gỡ ách tắc của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, các doanh nghiệp đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, để doanh nghiệp hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản đồng thời để người mua nhà sớm được cấp giấy chứng nhận.

“Nhiều khó khăn khi triển khai các dự án bất động sản ở các địa phương đã được doanh nghiệp kiến nghị, mặc dù chưa biết sẽ tháo gỡ đến đâu nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả nhất định và lấy lại niềm tin trên thị trường cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp các địa phương”, TS. Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Theo Thu Ngà

Reatimes

0 Bình luận

Gửi bình luận