Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM sẽ triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm được giải ngân giai đoạn này, theo Nghị quyết 11.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM triển khai các chính sách cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM cần thực hiện hiệu quả chính sách cho vay đối với người lao động, cá nhân, hộ gia đình, học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục.
Cụ thể, tiếp tục cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định. Tiếp tục cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.
TP.HCM bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập theo quy định. Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn…
Các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với những khoản vay có lãi suất trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM giải ngân trong giai đoạn này.
Chẳng hạn, các hoạt động cho học sinh, sinh viên vay để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến hiện được triển khai với lãi suất 6,6%/năm và theo Nghị quyết 11 sẽ hỗ trợ lãi suất 2% nên số lãi vay thực trả chỉ còn 4,6%/năm.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND TP. Thủ Đức cùng các quận, huyện tiếp tục triển khai cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc triển khai các chính sách trên theo Nghị quyết 11 nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo./.
Theo Thái Phương
Người Lao động
0 Bình luận
Gửi bình luận