Một đô thị hiện đại, có sức hút lớn như TP.HCM, thì song song với việc đầu tư, triển khai xây dựng hệ thống metro, không gian ngầm là một thành phần và là giải pháp không thể thiếu trong bài toán quy hoạch xây dựng đô thị...
Khu vực Bến Bạch Đằng - đường Tôn Đức Thắng đã được chỉnh trang và hoàn thành vào dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, tiền đề cho kế hoạch chỉnh trang khu vực ven sông Sài Gòn và khu trung tâm thành phố.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM mới đây đã triển khai tổ chức thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM”.
Ngầm hóa đô thị, mong muốn tập trung kinh nghiệm và kiến thức
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, cuộc thi tuyển với mong muốn tập trung kinh nghiệm, kiến thức từ các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong việc quy hoạch, tổ chức không gian ngầm đô thị, cùng góp sức trong quá trình phát triển chung của TP.HCM.
Mỗi sản phẩm tham gia thi tuyển là sự đóng góp ý tưởng nhằm tạo ra không gian để bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật ngầm và các không gian chức năng phù hợp khác dưới mặt đất, tăng tính kết nối và giải tỏa áp lực xây dựng trên mặt đất để phục vụ người dân tốt hơn; góp phần tạo tiền đề và luận cứ khoa học cho việc tổ chức quy hoạch không gian ngầm trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến 2040 và định hướng 2060.
Đối tượng tham gia là các đơn vị tư vấn trong nước (hoặc liên danh với tư vấn nước ngoài) có chứng chỉ hành nghề tư vấn lập quy hoạch đô thị phối hợp với các chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm thực tiễn. Có đủ năng lực hoạt động, uy tín, có kinh nghiệm thực tế liên quan và hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành quan tâm gửi hồ sơ năng lực và đăng ký tham gia cuộc thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM”.
Trước đó, ngày 28/12/2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM. Quyết định này có hiệu lực thi hành vào ngày 07/01/2022, gồm bản Quy chế và 19 phụ lục đính kèm. Phụ lục số 12 “Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan, khu vực có yêu cầu quản lý kiến trúc đặc trưng”, gồm 17 khu vực trong toàn địa bàn TP.HCM; trong đó có các khu vực có yêu cầu quản lý kiến trúc đặc biệt như: Khu vực dọc sông Sài Gòn, Khu trung tâm hiện hữu 930 ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bản đồ quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu 930 ha TP.HCM
Theo Quy chế này, TP.HCM sẽ mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1) cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển con đường Tôn Đức Thắng xuống đi ngầm. Việc ngầm hóa giao thông đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh công viên Bến Bạch Đằng sẽ giúp mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn và xa hơn là kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (bên kia sông Sài Gòn).
Giao thông ngầm qua công viên và ngắm hóa khu vực trung tâm
Theo kế hoạch, đường ngầm Tôn Đức Thắng được quy hoạch hai làn xe mỗi hướng. Kết cấu ngầm đường Tôn Đức Thắng gồm tầng hầm 1 với bãi đậu xe công cộng và lối ra/vào, tầng 2 với bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng.
Các lối ra/vào bãi xe ngầm sẽ có hai làn xe riêng biệt, không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe ngầm có sức chứa 300 xe hơi, nếu cần thiết thì có thể tận dụng một phần cho xe hai bánh.
"Ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng là giải pháp rất cần thiết. Việc này giúp giao thông tuyến đường Bắc - Nam qua trung tâm thành phố được xuyên suốt. Hơn nữa, giảm lưu thông trên bề mặt giúp người đi bộ dễ dàng tiếp cận bờ sông Sài Gòn và bảo đảm an toàn so với việc băng cắt qua đường rất khó khăn hiện nay", TS kiến trúc Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM.
Cùng với đường Tôn Đức Thắng, khu vực Công trường Mê Linh (nơi đường Tôn Đức Thắng đi ngang qua) cũng sẽ có tầng ngầm; trong đó xây dựng một “vườn trũng” ngầm ở giữa công trường, sẽ có cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng ở tầng ngầm này.
Vườn trũng sẽ kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng, đồng thời bảo đảm kết nối với các tòa nhà xung quanh trong tương lai. Bên trên, Công trường Mê Linh sẽ tạo không gian thoải mái và mát mẻ cho du khách. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có ba trạm xe buýt, trạm LTR (Light Rail Transit, đường sắt nhẹ, trạm có thể được xây dưới lòng đất) và trạm “thủy taxi”; đồng thời bảo đảm kết nối giao thông cho người đi bộ giữa các trạm này với vườn trũng.
Các phương tiện có thể đi từ bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng đến Công trường Mê Linh và được bảo đảm an toàn qua lối vào bố trí tại tầng hầm thứ nhất vốn được sử dụng cho dịch vụ và bảo trì các cửa hàng thương mại bên dưới Công trường Mê Linh. Lối đi bộ cũng sẽ được bố trí từ bãi đậu xe ngầm tới Công trường Mê Linh qua tầng hầm thứ nhất của đường Tôn Đức Thắng. Sau khi giao thông được ngầm hóa, lòng đường Tôn Đức Thắng hiện hữu sẽ được thu hẹp để mở rộng diện tích Công viên Bến Bạch Đằng.
Theo KTS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cơ sở để đưa ra kế hoạch trên là do Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM hiện nay cập nhật quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha), trong đó có việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng.
Còn theo Tiến sĩ kiến trúc Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM thì cho rằng, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng là giải pháp rất cần thiết. “Việc này giúp giao thông tuyến đường Bắc - Nam qua trung tâm thành phố được xuyên suốt. Hơn nữa, giảm lưu thông trên bề mặt giúp người đi bộ dễ dàng tiếp cận bờ sông Sài Gòn và bảo đảm an toàn so với việc băng cắt qua đường rất khó khăn hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, đáng chú về việc ngầm hóa toàn bộ đường đi bộ Nguyễn Huệ ngay trung tâm thành phố nhìn ra sông Sài Gòn, đó là đề xuất của KTS TS. Ngô Viết Nam Sơn.
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, cần làm đường ngầm bên dưới toàn bộ đường đi bộ Nguyễn Huệ để có không gian làm dịch vụ thương mại, bãi để xe. Thậm chí, cũng có thể làm đường ngầm nối qua Thủ Thiêm và sử dụng xe điện. “Đi bộ mất gần 10 phút, đi xe điện chỉ vài phút. Làm đường ngầm làm cho xe điện sẽ rẻ hơn nhiều so với làm đường hầm Thủ Thiêm, vì chỉ làm cho xe công cộng. Điểm quan trọng là kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với quảng trường Thủ Thiêm”, ông Sơn nêu gợi ý.
Theo Xuân Thái
VnEconomy
0 Bình luận
Gửi bình luận