22:44 31/12/2022

Thêm xung lực cho doanh nghiệp bất động sản vượt 'cửa tử'

Trong bối cảnh thanh khoản "bó đầu bó đuôi", thông tin ngân hàng nhà nước sẽ vào cuộc để có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường bất động sản - động thái bật đèn xanh này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp "vượt lằn ranh" sinh tử.

NHNN sẽ có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường bất động sản. Ảnh: TL.

Thời gian qua, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro khi thanh khoản xuống đáy trong khi kỳ hạn trái phiếu, thời điểm đáo hạn của hàng loạt doanh nghiệp đang đến gần. Bên cạnh đó, thị trường vốn cũng gặp khó khi nhiều ngân hàng thương mại hết room tín dụng, lãi suất cho vay cao và chuẩn cho vay khắt khe, nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp…

Những lo ngại thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng cả thanh khoản và sản phẩm, gây hiệu ứng domino với rất nhiều ngành sản xuất liên quan như xây dựng, xi măng, sắt thép, đồ gỗ, thiết kế, nội thất... không còn là viễn cảnh xa xôi.

Để tháo gỡ vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, tại cuộc họp báo ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 27/12, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết: Sau công điện khẩn của Thủ tướng ngày 22/12, NHNN đã "vào cuộc" chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp".

Đặc biệt, tới đây, NHNN sẽ tổ chức tọa đàm riêng về tín dụng bất động sản để trao đổi chia sẻ giữa các ngân hàng thương mại, hiệp hội và doanh nghiệp...

Thông tin thêm "cửa sáng" cho thị trường bất động sản, với vai trò là Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản...

"Về giải pháp, tổ công tác cũng nhận thấy các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm của mình và bản thân doanh nghiệp cũng phải tự có giải pháp. Sau khi kết thúc tổ công tác sẽ tổng kết đánh giá báo cáo Chính phủ và có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường bất động sản", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Sau công điện của Chính phủ về thị trường tín dụng, ông Tú cho biết NHNN đã quyết liệt triển khai về vấn đề tăng trưởng tín dụng lên tối đa 16%. "Room tín dụng đã mở, các hiệp hội đang vận động hạ lãi suất. NHNN cũng đang triển khai phần của ngân hàng trong phần việc của tổ công tác tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản".

Về giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023, đại diện NHNN thông tin: “Dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để “bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".

Vốn cho thị trường bất động sản là chủ đề nóng hiện nay. Ảnh: TL.

Nêu quan điểm về "động thái" vào cuộc của NHNN, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sẽ có động thái bơm tiền vào thị trường, nhưng thay vì bơm không kiểm soát giống như hồi đầu năm dòng tiền chảy vào chỗ không cần thiết sẽ lãng phí, không kích thích sự phát triển ổn định của thị trường, chỉ tạo ra hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường, thì bây giờ với chỉ thị của Thủ tướng, ngân hàng sẽ cân nhắc việc bơm ra và bơm vào đâu cho đúng và trúng.

"Khi Chính phủ đã chỉ đạo rồi thì họ phải cân đối bơm tiền vào các dự án cấp thiết của xã hội, nếu không các ngành nghề khác cũng phải dừng lại", ông Đính nhận định.

Ở góc nhìn khác, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D), DKRA Vietnam cho rằng, để “xốc” lại thị trường bất động sản cũng như hỗ trợ lao động phổ thông có cơ hội tiếp cận nhà ở, việc có gói hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp bất động sản triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu ở đang rất lớn hiện nay.

Theo đó, công điện số 1164 ngày 14/12 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế, cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện nhưng chưa có chính sách hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất hoặc vay với lãi suất thương mại hợp lý cho người mua nhà ở thương mại có mức giá khoảng dưới 1,8 - 2 tỉ đồng/căn được cho là cứu cánh thời điểm này.

“Hỗ trợ cho người mua nhà sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khi khơi thông được nguồn vốn, khơi lại được niềm tin của nhà đầu tư. Hiện nay, tiền ở trong dân vẫn còn nhiều nhưng người dân không dám bỏ tiền ra mua nhà dù có nhu cầu thật về chỗ ở, hay các chủ đầu tư giảm giá mạnh trong bối cảnh nhiều người vẫn có tâm lý chờ bất động sản giảm thêm mới mua", ông Thắng cho hay.

Nhưng thiếu vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản. Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), pháp lý là điểm nghẽn lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án. Đơn cử, nhiều quy định pháp luật chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất, việc thực thi chưa hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp... Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, lỗ hổng quản lý cũng tạo cơ hội khiến một cá nhân, tổ chức đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường.

Chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, hiện Tổ công tác đã báo cáo Chính phủ một số vướng mắc về quy định pháp luật, cách thực thi trong thực hiện các dự án bất động sản. Ngoài ra, phía Bộ Xây dựng, thành viên của Tổ, cũng cho biết đã chính thức chốt một số phương án được đưa ra để "giải cứu" cho thị trường.

Ví dụ, để thúc đẩy dự án bất động sản đang triển khai, các bộ ngành địa phương đang rà soát dự án có đủ pháp lý để đôn đốc nếu có khó khăn. Dự án vướng pháp lý sẽ được tìm cách tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Với hơn 1.000 dự án ở nhóm này, khi được gỡ vướng, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường...

doanhnhantrevietnam.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan