Các chuyên gia nhận định muốn tái sinh được nguồn lực từ đất của các dự án treo, việc rà soát, thanh kiểm tra là vô cùng cần thiết.
Dự án chậm triển khai, thậm chí có những dự án đã “treo” vài thập kỷ không chỉ gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước, lãng phí nguồn lực từ đất đai, mà còn gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc dư luận.
Việc thu hồi các dự án “treo” từ trước tới nay luôn được cho là phức tạp, bởi còn những vấn đề nhất định về khung chính sách pháp luật, thể chế, quản lý chưa có sự đồng bộ... và quan trọng vẫn là chính quyền có thực sự quyết tâm vào cuộc để tái sinh được nguồn lực từ đất của các dự án “treo” hay không.
Một dự án nhà ở hơn 22 ha tại huyện Mê Linh, Hà Nội trước đây được gọi là dự án “treo”. Nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính sau sáp nhập địa giới hành chính, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch, khiến chủ đầu tư loay hoay xoay xở suốt 10 năm qua giờ đã được địa phương tháo gỡ. Dự án này cùng 5 dự án khu đô thị nghìn tỷ khác đang được tái sinh, khởi động lại.
Việc thu hồi các dự án “treo” từ trước tới nay luôn được cho là phức tạp. (Ảnh minh họa)
"Nếu gỡ được trong 2022 thì chúng tôi đã thu được ngân sách cho địa phương, cho huyện chúng tôi là gần 5.000 tỷ đồng, đấy mới là chỉ có 6 dự án. Chưa nói đến việc cả 2.400 ha đất đô thị ở Mê Linh đã nằm chết như vậy. Doanh nghiệp cũng không đóng được nguồn lực gì cho địa phương nên kinh nghiệm của chúng tôi là nếu cùng đồng hành với doanh nghiệp thì kiểu gì cũng gỡ được", ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh, Hà Nội, cho biết.
Huyện Mê Linh sau rà soát có tới 47/64 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai hơn 10 năm, và đang kiến nghị với TP Hà Nội tiếp tục thu hồi đất của hơn 20 dự án “treo”.
Còn toàn TP Hà Nội có tới gần 400 dự án chậm triển khai, trong đó hàng trăm dự án “treo” vài thập kỷ, tất cả đang bước vào cuộc tổng rà soát, thanh kiểm tra, phân loại.
"Nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư, tạo công bằng trong việc giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, căn cứ vào các nội dung kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua, đối với trường hợp sau khi được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn mà vẫn chây ỳ, cố tình không triển khai thực hiện dự án thì thu hồi đất vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định", ông Trịnh Việt Dân, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhận định.
"Giao đất cho chủ đầu tư cần phải đấu thầu, đấu giá, không giao theo kiểu như ngày xưa ban phát, chỉ định. Việc này dẫn đến hệ lụy là có nhiều chủ đầu tư không có năng lực, hoặc không thể thực hiện nhưng vẫn nhận đất rồi để đó", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nói.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án “treo”, cả khách quan do vướng mắc từ cơ chế chính sách và chủ quan là do năng lực yếu kém của chủ đầu tư. Hiện Hà Nội đã thu hồi đất của 10 dự án “treo” lâu năm và sẽ tìm chủ đầu tư mới thông qua hình thức đấu thầu, đấu giá.
Các chuyên gia nhận định muốn tái sinh được nguồn lực từ đất của các dự án “treo”, việc rà soát, thanh kiểm tra lúc này là vô cùng cần thiết, bởi có vậy mới xác định đúng các vướng mắc để tháo gỡ, đúng năng lực của các chủ đầu tư, đúng đối tượng dự án cần thu hồi đất.
Theo Ban Thời sự
VTV.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận