Hệ thống giao thông này không chỉ kết nối TP. Thủ Đức với các đơn vị còn lại của TP.HCM mà còn kết nối với các địa phương lân cận một cách nhanh nhất…
TP. Thủ Đức (gồm: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ) tại TP.HCM.
TP. Thủ Đức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mấu chốt là hạ tầng giao thông
Theo Quyết định 318/2022 của UBND TP.HCM về ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020-2035", TP. Thủ Đức sẽ phát triển theo mô hình khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, là một trong các động lực tăng trưởng của TP.HCM và khu vực.
Đây là trọng tâm quy hoạch TP. Thủ Đức trong tương lai được ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM), cho biết tại toạ đàm “Đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức” diễn ra ngày 05/3/2022.
TP. Thủ Đức đã hình thành và phát triển được 01 năm. Năm 2021 là năm đầu tiên TP. Thủ Đức thực hiện thu ngân sách ở quy mô mới, “thành phố trong thành phố” và đạt 10.350 tỷ đồng, chiếm 2,7% trong tổng thu ngân sách của TP.HCM, bằng 51% thu ngân sách của quận 1.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), mục tiêu thu ngân sách TP. Thủ Đức là chiếm 30% tổng thu ngân sách của TP.HCM. Đây là kỳ vọng rất lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội rất lớn để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Thủ Đức. Vì hiện nay 02 quyết định về quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch TP. Thủ Đức đang được thực hiện song song. Việc hình thành Thủ Đức trong tổng thể TP.HCM rất thuận lợi.
Để hoàn thành mục tiêu, cần phát triển TP. Thủ Đức dựa trên nguồn vốn xã hội hoá, vốn nhà nước chỉ là vốn mồi. Các quốc gia phát triển đều dựa vào các tập đoàn lớn của quốc gia đó.
Ông Châu cũng cho rằng, hạ tầng giao thông sẽ quyết định thành công của Thủ Đức cũng như cần phải kết nối với các phần còn lại của TP.HCM và các địa phương lân cận.
Ngoài ra, quỹ đất tại Khu chế xuất Linh Trung (1,2,3) cần quy hoạch lại để “hút sếu đầu đàn” và phải thu hút được nhà đầu tư chiến lược để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Thủ Đức.
Cũng nhấn mạnh đến việc hình thành một mạng lưới giao thông kết nối liên vùng của TP. HCM cũng như TP. Thủ Đức, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), cần hoàn thiện các hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm Tài chính quốc tế và các khu vực lân cận.
Cần phát triển khu đô thị hiện đại kiểu mẫu, với khu thương mại dịch vụ cao cấp. Khu đô thị sẽ là điểm thu hút độc đáo cho người dân và du khách khi tới TP.HCM và TP. Thủ Đức.
Về phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết đề án này đã được ấp ủ từ lâu và sẽ được đặt tại TP. Thủ Đức.
Do đó, vấn đề phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế cần có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ thông qua đào tạo. Kết hợp với các nhà đầu tư chuyển giao công nghệ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết sẽ hỗ trợ TP. Thủ Đức quy hoạch một số khu vực trở thành khu trung tâm tài chính, kinh tế - thương mại – du lịch, góp phần phát triển kinh tế.
“Nhóm tài chính chiến lược đã tổ chức đội ngũ nhân sự, đưa người qua New York (Mỹ) đào tạo để khi trung tâm tài chính được chọn lựa sẽ bắt tay vào xây dựng ngay mà không lo phải làm từ đầu, mà đã nhận chuyển giao công nghệ thông qua đào tạo” ông Hạnh Nguyễn nói.
Cho rằng việc quy hoạch TP. Thủ Đức cần tăng năng lực khai thác của cảng cũng như kết nối với giao thông với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 02 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, vì lượng hàng hoá từ 02 địa phương này qua cảng rất lớn.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết thành phố cũng cần quy hoạch giao thông, mở thêm các tuyến đường để giảm tải cho Xa lộ Hà Nội, vì hiện nay tất cả lượng hàng hoá đều đi qua con đường này.
Tổng công ty Tân Cảng cũng đề xuất được tiếp cận khu đất dọc sông Đồng Nai để làm nơi lưu trữ hàng hoá, phát triển logistics…
"Thành phố trên sông"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, đề xuất một khung cảnh “thành phố trên sông” để tận dụng sông Sài Gòn làm thắng cảnh thu hút khách du lịch. Vì buổi tối rất buồn, không có dịch vụ gì đặc sắc.
Hình thành hệ sinh thái Cụm ngành dệt may – Trung tâm thời trang tại TP. Thủ Đức. Diện tích 36,93ha, tổng mức đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm thời trang có khả năng thu hút 2 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm, dự kiến tăng 10-15%/năm. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức. |
Do vậy, thành phố cần triển khai và quy hoạch lại con đường ven sông Sài Gòn. Có thể phát triển dịch vụ thể thao trên sông, du thuyền trên sông…
Đặc biệt, cần hình thành hệ thống dịch vụ ban đêm để khai thác kinh tế đêm ở TP. Thủ Đức. Nếu không sẽ bỏ phí nguồn lực kinh tế.
Ngoài ra, để phát triển TP. Thủ Đức, theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, trong đề án quy hoạch bắt buộc phải giải quyết được 02 vấn đề: quy hoạch treo và tạo quỹ đất để phát triển.
Cần phải có Trung tâm phát triển quỹ đất tiến tới hình thành Công ty phát triển quỹ đất công (thuộc sở hữu nhà nước) nhằm rà soát lại các quỹ đất có vị trí lợi thế, các dự án treo, kịp thời bổ sung, công năng sử dụng cũng như các hệ số quy hoạch hiệu quả nhất, thu hút đầu tư theo đối tác công – tư (PPP), hạn chế phụ thuộc ngân sách nhà nước.
TP. Thủ Đức có quy mô dân số 01 triệu người, gồm 34 phường. Nằm ở phía Đông của TP.HCM, có vị trí quan trọng trong vùng tam giác: TP.HCM- Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52, Quốc lộ 13, đường Vành đai 2… Kể từ khi thành lập (31/12/2020), TP. Thủ Đức tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như: khoa học và công nghệ; công nghệ tài chính; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ sinh học và công nghệ sinh thái; giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nước. |
Theo Linh Lan
VnEconomy
0 Bình luận
Gửi bình luận