05:11 19/01/2022

Proptech hút vốn đầu tư

Thị trường công nghệ bất động sản (Proptech) đang hấp dẫn dòng vốn đầu tư và từng bước chiếm vị thế mới trên thị trường bất động sản.

Dịch bệnh là cơ hội để thúc đẩy công nghệ trong lĩnh vực bất động sản

Thời của Proptech

TopenLand (công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh) mới công bố thương vụ sáp nhập DataFirst (doanh nghiệp chuyên về dữ liệu sâu bất động sản) để hiện thực hóa chiến lược hoàn thiện hệ sinh thái Proptech kết hợp tài chính công nghệ (Fintech) của Tập đoàn.

Sau thương vụ, DataFirst sẽ đóng vai trò phân tích và nghiên cứu cơ sở dữ liệu lớn tích lũy trong nhiều năm của Tập đoàn Hưng Thịnh, nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật, sản phẩm dịch vụ chất lượng, đề xuất các dự báo, phân tích thị trường bất động sản chuyên sâu.

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng của Tập đoàn trên mặt trận công nghệ, khi liên tục đầu tư bài bản vào việc xây dựng một nền tảng Proptech và Fintech. Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra các tiện ích là những mục tiêu quan trọng mà Tập đoàn hướng đến.

Tháng 3/2021, Citics gọi được 1 triệu USD vòng Series A từ Vulpes Investment Management, Nextrans, The Ventures. Giữa tháng 5, start-up đặt phòng ngắn hạn Go2Joy nhận 1,3 triệu USD từ SV Investment, nâng tổng cộng vòng gọi vốn series A đạt 6,1 triệu USD. Trước đó, Go2Joy nhận 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.

TopenLand sẽ là nơi cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và khách hàng, thực hiện kết nối thông minh, thể hiện một cách rõ ràng các tính năng của nền tảng kinh tế chia sẻ, lấy minh bạch, an toàn và tiện dụng làm phương châm hoạt động, nơi mà mọi người, mọi nhà đều có thể tham gia và thành công cùng bất động sản.

“Thông qua việc sáp nhập DataFirst, chúng tôi đã dần hoàn thiện hệ sinh thái, kiện toàn cơ sở dữ liệu sâu về bất động sản. TopenLand đã có thể cung cấp bức tranh 360 độ xung quanh các sản phẩm bất động sản phục vụ khách hàng”, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết.

Ngoài thương vụ trên, thị trường Proptech Việt Nam thể hiện sức hấp dẫn lớn khi chứng kiến hàng loạt thương vụ đầu tư, góp vốn, sáp nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Mới đây, start-up công nghệ bất động sản Rever vừa huy động được hơn 10 triệu USD, nâng tổng vốn gọi được lên hơn 16 triệu USD sau 5 năm hoạt động. Trong đó, Quỹ Mekong Enterprise Fund IV là đơn vị tham gia vòng đầu tư mới nhất của Rever.

Ông Phan Lê Mạnh, nhà sáng lập Rever cho biết, năm 2020, Rever thực hiện được 1.000 giao dịch với mức giá trung bình 2,5 tỷ đồng/sản phẩm. Với 300 nhân viên thực hiện toàn bộ giao dịch, ước tính, năng suất một nhân viên Rever vào khoảng 5 giao dịch/năm. Mục tiêu đến năm 2025, Rever sẽ mở rộng ra 20 tỉnh, thành với 200 trung tâm giao dịch và 20.000 môi giới. Còn trong năm 2022, Rever sẽ mở rộng sang các thành phố còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Theo ông Mạnh, dịch bệnh sẽ là cơ hội để thúc đẩy công nghệ trong lĩnh vực này và việc đàm phán với các chủ nhà cũng thuận lợi hơn. Việc đưa công nghệ vào bất động sản mang lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư khi giảm được khâu môi giới, giảm thời gian tiếp cận và chi phí giao dịch... “Kinh nghiệm vận hành chuỗi và quản lý doanh nghiệp là điều chúng tôi nghĩ Mekong Capital sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Rever”, ông Mạnh nói.

Tương tự, Propzy - doanh nghiệp hoạt động cùng phân khúc với Rever công bố gọi vốn  25 triệu USD vòng Series A thành công từ Softbank, Gaw Capital và một số nhà đầu tư, nâng tổng số vốn gọi được lên 37 triệu USD vào quý II/2020 và kết thúc vòng gọi vốn Series B 50 triệu USD vào cuối năm 2021. Đại diện start-up này tiết lộ, đang thảo luận cùng nhóm nhà đầu tư nước ngoài rất hứng thú với thị trường Proptech đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Sẽ là xu thế mới

Năm 2021 được nhiều chuyên gia đánh giá là năm bản lề của công nghệ bất động sản, khi trong dịch bệnh, công nghệ đã tham gia mọi hoạt động trong chuỗi giá trị của lĩnh vực bất động sản, từ tiếp thị, kinh doanh, quản lý bất động sản cho đến chăm sóc khách hàng và cả tài chính.

Tuy nhiên, trong một lĩnh vực rộng lớn như bất động sản, ứng dụng công nghệ vẫn còn giới hạn, chưa khai thác triệt để như các ngành khác. Proptech đang là miếng bánh lớn, mở ra cơ hội cho nhiều tổ chức có thể chiếm lĩnh từ thị trường lớn đến thị trường ngách phù hợp với năng lực của doanh nghiệp.

Cho rằng, thời gian tới, sẽ có cuộc cách mạng dành cho thị trường Protech Việt Nam, ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Hệ sinh thái công nghệ bất động sản Houze Group đánh giá, các giải pháp giúp cộng đồng cư dân có thể trải nghiệm tốt hơn trong khu đô thị bằng nhiều tính năng tích hợp, cũng như xây dựng những mô hình đầu tư mới để nhiều người có thể tham gia thị trường một cách dễ dàng và thuận tiện trên nền tảng công nghệ là những lĩnh vực sẽ được chú trọng.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, những năm gần đây, các công ty công nghệ đã phát triển vượt bậc, tạo ra những thành tựu trên thị trường. Nhiều công ty bất động sản đã ý thức được vai trò của công nghệ, nên đã đổ ngân sách vào phát triển các ứng dụng và đạt được kết quả đáng chú ý.

“Xu thế Proptech tại Việt Nam ngày càng rõ nét. Ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu, tìm kiếm, mua bán, cho thuê vận hành đang phổ biến trên thị trường bất động sản và gần đây là ứng dụng công nghệ vào đầu tư bất động sản, chia nhỏ suất đầu tư để nhà đầu tư có tài chính khiêm tốn vẫn có thể tham gia thị trường bất động sản. Tôi cho rằng, đây sẽ là xu hướng dẫn dắt thị trường trong thời gian tới”, CEO Đại Phúc Land nhấn mạnh.

Theo bà Hương, một con số rất ấn tượng là 5 năm qua, tỷ lệ tìm kiếm dạng chia nhỏ suất đầu tư tăng trưởng 800%. Một nghiên cứu cũng cho thấy, có khả năng vào năm 2027, sẽ có 870 tỷ USD rót vào việc đầu tư chung. “Đây là tín hiệu cho thấy, có thể hoàn toàn tin tưởng vào xu hướng Proptech tại thị trường bất động sản Việt Nam”, bà Hương cho biết.

Theo Trọng Tín

Báo Đầu tư

0 Bình luận

Gửi bình luận