12:13 10/01/2022

Ông Nguyễn Văn Đính: ‘Đất Hòa Bình đang bị đẩy giá bất thường’

Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, thí dụ như có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho 1 mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết gần 1 năm trở lại đây, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, thí dụ như có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho 1 mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).
Chia sẻ tại tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” tổ chức chiều nay (5/1), ông Nguyễn Văn Đính cho biết trong năm 2021, thị trường bất động sản cả nước có hiện tượng tăng giá. Đặc biệt, có những địa phương như Hoà Bình cũng trở nên có sức hút, giá cả tăng mạnh.

“Tuy nhiên, thị trường cũng có những nơi sốt ảo”, Chủ tịch VARS nhận định và cho rằng việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản dẫn đến một số người rơi vào vòng xoáy sốt ảo.

Theo Chủ tịch VARS, Hòa Bình đang là một trong những địa phương mà giá bất động sản bị "thổi" bất thường. Nguyên nhân một phần là do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể "ra hàng".

Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.

“Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, thí dụ như có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho 1 mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật”, ông Đính cho hay.

Chủ tịch VARS kiến nghị lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Ông Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, cho biết đến thời điểm hiện tại tỉnh có trên 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng. Du lịch Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Tới năm 2025, tỉnh Hòa Bình dự kiến đón khoảng 4,9 triệu lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030 dự báo Hòa Bình đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông Trường cho biết thêm tỉnh Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm, triển khai các dự án quy mô của những doanh nghiệp lớn trên thị trường như: Vingroup, Sun Group, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình...

Hiện tại, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Trần Lệ

Vietnam Finance

0 Bình luận

Gửi bình luận