Bà Vũ Hạnh Nga, Chủ tịch ARCHIBUS Việt Nam, người giữ vai trò tư vấn trưởng trong nhiều dư án về thành phố thông minh ở Singapore, Maylaisia, Indonesia... chia sẻ về các lợi ích mà đô thị thông minh mang lại.
Đánh giá Việt Nam là một quốc gia có nhiều hoạt động tích cực trong việc phát triển các thành phố thông minh, đặc biệt là việc nhiều doanh nghiệp bất động sản rất chủ động ứng dụng giải pháp đô thị thông minh, đại diện ARCHIBUS Việt Nam cho rằng người dân Việt Nam sẽ sớm được trải nghiệm các lợi ích của đô thị thông minh.
Ứng dụng CNTT vào quản lý đô thị hay còn gọi là “đô thị thông minh” là xu hướng được chính quyền và doanh nghiệp nhiều nơi quan tâm. Dữ liệu được thu thập từ các thiết bị thông minh, cảm biến sẽ được xử lý và phân tích để giám sát và quản lý hệ thống giao thông và vận tải, nhà máy điện, mạng lưới cấp nước, quản lý chất thải, phát hiện tội phạm… dưới đây là chia sẻ của bà Vũ Hạnh Nga, Chủ tịch Công ty ARCHIBUS Việt Nam
Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai đô thị thông minh tại các quốc gia Châu Á nói riêng và trên toàn thế giới, bà có thể chia sẻ những tín hiệu tích cực trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam?
Việt Nam đang ghi nhận các tín hiệu hết sức tích cực từ phía Chính Phủ thông qua các chính sách tạo điều kiện cho phát triển thành phố thông minh, đô thị thông minh. Đơn cử như Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Tại các đô thị lớn cũng có các văn bản cụ thể như TP HCM đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2025.
Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ TP.Hà Nội chỉ ra lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo định hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”.
Tiếp đó là các chủ đầu tư bất động sản đã quan tâm và chủ động phát triển các dự án đô thị thông minh như TNG Holdings Vietnam với chiến lược bài bản trong việc ứng dụng giải pháp Facility Management (FM) vào quản trị và kinh doanh bất động sản, BRG với dự án thành phố thông minh tại Đông Anh hay việc một số đơn vị bắt đầu có xu hướng thiết kế định vị các sản phẩm bất động sản theo hướng thông minh như Vingroup, Ecopark, TNR Holdings Vietnam với dự án The Nosta...
Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn từ góc độ người dân sẽ được hưởng lợi gì từ các dự án đô thị thông minh?
Đô thị thông minh là gì. Đô thị thông minh là thành phố sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng sống và tiêu chuẩn sống của mỗi công dân.
Đô thị thông minh trên thế giới đã được triển khai trong 10 năm trở lại đây đều thiết lập lộ trình đi theo hướng lấy con người làm trung tâm thay vì lấy công nghệ làm trung tâm (SMART 1.0). Giải pháp ARCHIBUS thuộc thế hệ SMART 2.0 đã và đang được lựa chọn làm nền tảng (platform) cho giải pháp SMART City và các chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Với xu hướng sử dụng công nghệ trong ngành bất động sản như vậy, bà dự đoán sao về tương lai thị trường bất động sản Việt Nam?
Tôi dự đoán trong mười năm tới, ngành Bất động sản tại Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi lớn. Thứ nhất, quản lý bất động sản của Việt Nam sẽ thông qua việc chuyển đổi từ quản trị tay (Manual) sang quản trị máy (Computerized) và thông qua quá trình này rút ngắn khoảng cách về trình độ cũng như chất lượng trong Quản lý Bất động sản so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, phạm vi quản lý bất động sản sẽ không dừng ở khái niệm quản lý vận hành, khai thác, thông thường mà sẽ phát triển theo hướng: Tạo ra giá trị mới và quản lý trải nghiệm có tính tương tác cao.
Với sự chủ động của các chủ đầu tư bất động sản thông qua các dự án đang được triển khai, tôi tin chắc người dân Việt Nam sẽ sớm được hưởng lợi từ các dự án đô thị thông minh.
Theo Minh Hải
Báo Đầu tư
0 Bình luận
Gửi bình luận