02:24 18/01/2022

Năm 2022, hàng lang pháp lý sẽ được thay đổi như thế nào để tạo sức bật cho thị trường địa ốc?

Vướng mắc về pháp lý được coi là một trong những nguyên nhân tác động mạnh đến thị trường bất động sản, làm giảm nguồn cung, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch.

Khi chỉ ra sự khó khăn của thị trường bất động sản trong những năm qua, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thẳng thắn cho rằng, chính vướng mắc về pháp lý khiến cho dự án ra đời chậm. Điều này đồng nghĩa với nguồn cung sụt giảm. Ông Đính nhận định, nếu như trong năm 2022, các vướng mắc, thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ thì thị trường sẽ có động lực phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực. Hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan hiện đã dần hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư.

Theo ông Khởi, ví dụ như Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Đến năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua chính sách tài khóa, trong đó có việc dành 65 nghìn tỷ đồng cho chính sách phát triển nhà ở xã hội. Đây cũng là động lực để cho thị trường bất động sản. 

Trong một diễn đàn mới đây, bà Hoàng Thu Hằng - Phó trưởng Phòng Quản lý thị trường Bất động sản, Bộ Xây Dựng cho biết, sẽ có nhiều sự thay đổi trong hàng lang pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản. Theo bà Hằng, hiện tại, 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội sửa luật. Bà Hằng nhấn mạnh, việc sửa đổi với vấn đề chính sẽ mang đến giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định. 

Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong các dự thảo có 4 nhóm chính sách lớn tác động mạnh đến thị trường bất động sản Việt Nam. 

Đầu tiên là chính sách liên quan đến kinh doanh bất động sản. Dự thảo làm rõ hơn phạm vi, các đối tượng loại hình bất động sản được đưa vào kinh doanh. Cụ thể hơn về các trường hợp công trình, nhà ở có sẵn, công trình, nhà ở hình thành trong tương lai. Đặc biệt, những quy định liên quan đến condotel, officetel, các loại hình mới được đề cập rõ hơn. 

Dự thảo sẽ làm rõ một số quy định, chính sách này sẽ bổ sung quy định về chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất trong các dự án. Hiện trong luật cũ đã có quy định chuyển nhượng, song, vẫn còn một số vướng mắc chồng chéo với Luật Đất đai. 

Đáng chú ý là sự tách biệt rõ hơn vai trò của đơn vị quản lý Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT để người dân dễ thực hiện trong các khâu thủ tục. 

Thứ hai là nhóm quy định về kinh doanh bất động sản. Theo đó, các quy định làm rõ vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các sàn bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, các cơ sở đào tạo môi giới bất động sản. Trong dự thảo này đưa các nội dung về việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn. 

Thứ ba là chính sách liên quan đến điều tiết thị trường. Dự thảo có quy định rất rõ về hình thức, nguyên tắc thực hiện các giải pháp để điều tiết thị trường bất động sản. 

Trước đó, thị trường đã có biến động "nóng-lạnh" song việc phân định vai trò liên quan của các đơn vị quản lý để điều tiết thị trường chưa được rõ nét. Do đó việc điều tiết thị trường khi thị trường nóng cần điều chỉnh các Bộ ngành chưa chủ động, chưa kịp thời điều tiết để thị trường phát triển lành mạnh. 

Thứ tư là chính sách liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đã có đề xuất liên quan đến xây dựng các hệ thống thông tin về thị trường động sản. Đồng thời, một điểm quan trọng nữa là quy định, phân định trách nhiệm cụ thể về trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các bộ ngành, các địa phương để tránh việc chồng chéo cũng như ngăn chặn việc sai phạm có thể xảy ra trong thị trường bất động sản. 

Ngoài ra, các chính sách liên quan thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ được nghiên cứu. 

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh các chính sách làm sao để phát triển các dòng bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường đặc biệt là các sản phẩm nhập thấp, nhà ở xã hội, khơi thông thủ tục pháp lý, thúc đẩy nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Theo Hải Nam

Nhịp sống kinh tế

0 Bình luận

Gửi bình luận