Sáng 02/03/2023, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị “Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi về phát triển quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030” dưới sự chủ trì của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Dự Hội nghị, về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM; TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VNREA, cùng một số Ủy viên BCH, BTV và lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc VNREA: Trung tâm Phát triển Bất động sản và Văn phòng Hiệp hội.
Đặc biệt là sự góp mặt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như khó khăn, vướng mắc của Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cũng như các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội như Thắng Lợi Group, Novaland,...
Hội nghị tập trung mổ xẻ, trao đổi những nhóm vấn đề lớn gồm quỹ đất, quy hoạch - kế hoạch phát triển: nguồn vốn, cơ chế chính sách và thủ tục đầu tư, ưu đãi...
Phát biểu tại Hội nghị, theo ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội, ông Tuấn cho rằng cần nới tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư từ 10-15%. Nhà nước đừng quá lo việc doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội sẽ lời nhiều, do quy luật cạnh tranh sẽ bù trừ lại.
Ông Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi về phát triển quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2023
Còn theo ông Dương Long Thành, Chủ tịch Thắng Lợi Group, với quỹ đất mà doanh nghiệp đã mua rồi, khi làm dự án nhà ở xã hội, Nhà nước tính toán đưa vào chi phí thực tế của doanh nghiệp, chứ không thể áp dụng theo bảng giá của Nhà nước. Nếu áp dụng theo bảng giá Nhà nước thì doanh nghiệp không thể nào bù được.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, Hiệp hội sẽ tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp, tiếp tục tổ chức các Hội nghị với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời sẽ mời các cơ quan lập, sửa và duyệt quyết định liên quan. Để trao đổi, thống nhất điều chỉnh, sửa đổi quy định cho phù hợp. Thực sự hỗ trợ giúp doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Ông Khôi nhấn mạnh, Hiệp hội sẽ tập trung kiến nghị một số vấn đề cụ thể như sau:
Về vấn đề nhóm ưu đãi chính sách, cụ thể là thuế VAT, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan nhà nước nghiên cứu vẫn giữ ở mức 5%; điều chỉnh biên lợi nhuận cho doanh nghiệp cần tăng lên từ 10 - 15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Về vấn đề đầu tư hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong khu và kết nối với hạ tầng bên ngoài. Nên giao doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội thực hiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào của dự án, để tạo ra sự kết nối với hạ tầng bên trong dự án.
Nhóm thứ hai là ưu tiên tạo lập quỹ đất. Trong vấn đề này, nổi bật nhất là doanh nghiệp muốn chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
Và bên cạnh đó, xét trên phương diện thực tế, đất đai ở nhiều địa phương đang nằm trong tay các doanh nghiệp bất động sản. Vậy cơ chế để giải quyết giá trị mà các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua đất thương mại và chuyển sang làm nhà ở xã hội cũng cần làm rõ.
Nhóm thứ ba, vấn đề quy trình, thủ tục hành chính, đầu tư dự án, chủ trương quy hoạch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng theo phương châm đơn giản hóa thủ tục và cần có Nghị định do Chính phủ và Thông tư hướng dẫn do các bộ ngành liên quan thông qua, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ trong từng khâu giải quyết thủ tục.
Một nhóm vấn đề tiếp theo tạm gọi là tỷ lệ nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội. Các ý kiến tập trung để đề xuất cần đảm bảo tối thiểu lớn hơn 20% và linh hoạt với từng địa phương, từng dự án, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Hiệp hội kiến nghị vấn đề này nên để địa phương quyết định cho phù hợp.
Cuối cùng là mở rộng đối tượng và không cứng nhắc trong việc chỉ định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tạo điều kiện đầu ra vừa đảm bảo độ mở rộng của thị trường vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật
Dự kiến trong tháng 3 và tháng 4 năm 2023, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm lấy ý kiến góp ý hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết sau đó.
0 Bình luận
Gửi bình luận