01:20 27/09/2022

Giao dịch bất động sản phải qua sàn

Ngày 23/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) với sự tham gia của cơ quan quản lý các địa phương, chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đa phần các đại biểu thống nhất cần thiết giao dịch qua sàn.

Tại hội thảo, phương án quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn được bổ sung vào Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi nhận được sự quan tâm, thảo luận của nhiều đại biểu. Đa phần các đại biểu thống nhất cần thiết giao dịch qua sàn nhưng cần làm rõ đối tượng giao dịch.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Cen Group, với sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai, hay khiến thị trường “nóng”, quy định bắt buộc giao dịch sản phẩm lần đầu đưa ra thị trường giao dịch và hình thành trong tương lai qua sàn là rất cần thiết để đảm bảo tính pháp lý, an toàn cho các bên giao dịch mua - bán.

Ông phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam là thị trường mới nổi, rất khác so với các thị trường khác, có những năm hàng hóa sơ cấp chiếm tới hơn 50% toàn thị trường. Sản phẩm giao dịch hình thành trong tương lai, nhiều khi người mua chỉ đóng theo tiến độ có vài chục phần trăm là có thể giao dịch, chuyển nhượng qua nhiều vòng trước khi bàn giao. Do đó, kiểm soát giao dịch qua sàn là có hiệu quả.

“Trước đây, luật cho phép chủ đầu tư có thể lập sàn giao dịch cho riêng mình. Đây là vấn đề bất cập bởi một con dấu mà có hai pháp nhân, một bên là chủ đầu tư và một bên là sàn giao dịch. Nếu cho phép điều này cũng nên có pháp nhân độc lập cho rõ ràng thay vì một pháp nhân có hai chức năng.” ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, VARS thống nhất với phương án giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản bắt buộc phải thực hiện thông qua sàn nhưng đề nghị  nghiên cứu kỹ thêm về các bước tiếp theo của điều kiện thành lập của sàn giao dịch môi giới bất động sản.

Đồng tình với phương án giao dịch qua sàn, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, không có lý do gì để loại này đưa vào loại kia thì không, tất cả loại hình bất động sản phải giao dịch thông qua sàn chính thống, đây là cơ sở cung cấp thông tin dữ liệu thị trường. Hiện nay, mọi hoạt động giao dịch đều phải qua công chứng, vai trò của công chứng mới chỉ là xác nhận thông tin. Sàn giao dịch sẽ phải có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra,... dự án; đóng vai trò trung gian trong quá trình đăng ký thông tin, quản lý giao dịch, đảm bảo tính pháp lý cho người giao dịch mua - bán. Theo ông, không phải lo ngại bất cập lợi ích nhóm, “yêu cầu phải qua công chứng có lợi ích nhóm không?”. 

“Giao dịch sơ cấp của người dân với chủ đầu tư đã được thông tin rất đầy đủ, giao dịch thứ cấp mua bán với nhau như thế nào, cần quan tâm hơn. Hay yêu cầu cả hai phải lên sàn để không mất thêm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp? Nếu không qua sàn, theo dõi như thế nào?” Tiến sĩ Cấn Văn Lực bổ sung.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh gửi lời cảm ơn các đại biểu đã tham dự Hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến bổ sung, làm rõ nhiều nội hàm trong 2 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Bộ Xây dựng vẫn tiếp thu ý kiến đóng góp và tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất, làm cơ sở triển khai các nội dung và công việc tiếp theo trong quá trình xây dựng 2 Luật này.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Luật Kinh doanh Bất động sản hiện ít vướng mắc hơn so với Luật Nhà ở. Việc sửa đổi Luật lần này được Chính Phủ, Quốc Hội giải quyết thông qua bốn nhóm chính sách bao gồm: kinh doanh bất động sản; kinh doanh xây dựng bất động sản; quản lý nhà nước trong lĩnh vực bất động sản và điểm mới trong nhóm chính sách điều tiết thị trường bất động sản - điều tiết cung cầu hàng hóa bất động sản và các công cụ điều tiết như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính... hoặc thu hút đầu tư.   

0 Bình luận

Gửi bình luận