20:46 21/02/2022

Giá bất động sản có “hạ nhiệt” sau khi doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá ở Thủ Thiêm?

Sau khi 2 trong 4 DN đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc, thị trường ngay lập tức phản ứng khi nhiều giao dịch bị dừng lại. Tuy nhiên, liệu giá đất có giảm ngay sau khi tăng nóng?

Khách hàng cũng bỏ cọc sau vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm

Có 4 doanh nghiệp đấu giá đất thành công tại Thủ Thiêm thì đã có 2 đơn vị xin bỏ cọc và ngừng thực hiện dự án. Còn 2 đơn vị còn lại theo thông tin phóng viên VTV có được đến nay vẫn chưa có động thái gì về việc đóng tiền theo thời gian quy định sau đấu giá. Dù vậy, tác động của phi vụ đấu giá này đang được thể hiện rõ qua tâm lý thị trường bất động sản tại Thủ Thiêm và các vùng lân cận.

Khi các cơn sóng tan đi, mặt hồ đã phẳng lặng trở lại, yên tĩnh như chính tình hình thị trường bất động sản quanh khu vực Thủ Thiêm trong thời điểm hiện nay. Khi 2 trong 4 doanh nghiệp đấu giá thành công công bố chính thức dừng thực hiện dự án, người mua cũng nhanh chóng bỏ cọc theo, mọi giao dịch đang rơi vào trạng thái đóng băng.

Các lô đất được đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: NLĐ)

Theo ghi nhận của một số sàn giao dịch bất động sản tại khu vực này, đa số khách hàng cá nhân cũng đã tự nguyện bỏ cọc, với số tiền dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi giao dịch. Đây là những khách hàng đã đặt cọc mua căn hộ, hay nhà phố ngay sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá thành công, với kỳ vọng giá sẽ tăng tiếp.

Bà Phan Thị Bích Trâm - Chủ tịch HĐQT, CTCP bất động sản Hưng Hưng Thịnh cho hay: "Sau khi doanh nghiệp bỏ cọc, những người mua lẻ họ cũng bỏ cọc theo. Người bán dừng lại không bán, người mua dừng lại không mua, để người ta cân nhắc xem đâu là sự thật".

Cũng theo bà Trâm, từ phía chủ đầu tư các dự án hầu như không có động thái gì dù trước đó họ cũng tính toán lại việc sẽ điều chỉnh giá nếu phi vụ đấu giá thành công. Tuy nhiên, giá bán dự kiến ở các giai đoạn tới vẫn tăng đâu đó 5 - 10% do các yếu tố thị trường khác.

"Nếu có tác động của đấu giá Thủ Thiêm làm cho giá đất của toàn thành phố Thủ Đức lên 30 - 40% hoặc là 100% chẳng hạn thì họ buộc phải dừng và cân nhắc lại. Còn nếu như không có ảnh hưởng nhiều, họ sẽ tăng giá theo dự toán kinh doanh của họ ngay từ ban đầu, không ảnh hưởng nhiều lắm", bà Phan Thị Bích Trâm cho hay.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chi nhánh batdongsan.com.vn nói: "Đối với thị trường bất động sản không thể điều chỉnh giá ngày một, ngày hai được. Khi tâm lý người ta đã neo vào một con số cao thì việc người mua lẫn người bán họ đều có tư duy về mức giá mới, tạo ra việc tăng giá tương đối lớn hơn so với những năm trước".

Theo báo cáo mới nhất của trang batdongsan.com.vn, hầu hết các dự án xung quanh vùng lõi Thủ Thiêm và khu vực phía Đông thành phố, mức giá vẫn tăng trưởng cao trên dưới 10%.

Trong điều kiện nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, con số tăng trưởng giá 10% vẫn khá là cao. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng rất lớn từ các cuộc đấu giá đất đến thị trường bất động sản.

Tác động của tình trạng đấu giá cao rồi bỏ cọc

Có thể thấy những "cơn sốt" giá tăng 30 - 40% chỉ trong một thời gian rất ngắn sau phi vụ đấu giá thành công đã nhanh chóng được "hạ nhiệt". Dù phi vụ đấu giá coi như không thành công nhưng đây lại là tín hiệu tác động tích cực đến thị trường, khi hạn chế được các nguy cơ sốt ảo, bong bóng bất động sản.

Việc các doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất với mức giá không tưởng, nhiều chuyên gia nhận định điều này đã khiến mặt bằng giá tăng mạnh theo hiệu ứng "vết dầu loang" không chỉ Thủ Thiêm mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác. Về lâu dài, sẽ tác động đến tâm lý giá trị bất động sản, làm giảm sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, kinh doanh.

Cần phải xây dựng hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm để bước đầu tiên là lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực. Ảnh: NLĐ.

"Nếu như bán lẻ hay dịch vụ thương mại, văn phòng xung quanh Thủ Thiêm với mức giá hạng A, A+ hay là A nhiều + quỹ đất cao, doanh nghiệp sẽ không coi là hấp dẫn để khai thác hoặc là chi phí đầu vào quá cao trong kinh doanh. Xa hơn nữa là kéo theo hệ luỵ làm tăng giá các vùng xung quanh, dẫn đến ảnh hưởng chi phí đầu vào trong kinh doanh", ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói.

Bên cạnh 4 lô đất đã đem ra đấu giá thành công, Thủ Thiêm vẫn còn gần 60 lô đất chờ đấu giá. Giả sử nếu các lô đất được các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án, thị trường sẽ thiết lập mức giá sàn mới. Điều này sẽ gây khó cho chính quyền thành phố trong việc thiết lập mức giá khởi điểm cho các cuộc đấu giá tiếp theo và ảnh hưởng đến quy hoạch chung của đô thị Thủ Thiêm.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa nói: "Nếu như sức hấp dẫn đó không được đầu tư, không được chọn đúng chủ đầu tư, các sản phẩm và quỹ đất ở đó không được dùng đúng theo tinh thần của quy hoạch, khả năng dẫn đến việc chậm trễ hoặc hoãn phát triển đô thị ở Thủ Thiêm, từ đó kéo theo những hệ luỵ về phát triển bất động sản hoặc là diện mạo mới của Thủ Thiêm đúng như quy hoạch của thành phố".

Giới chuyên gia đánh giá, dù các doanh nghiệp bỏ cọc, dừng phát triển dự án thì Thủ Thiêm vẫn còn sức hấp dẫn với nhà đầu tư nhờ vị trí đắc địa ngay trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do vậy, chỉ cần có những động thái tích cực về thu hút đầu tư cũng tạo sức lan toả cho thị trường bất động sản cũng như việc phục hồi kinh tế.

Theo VTV Digital 
VTV.vn

 

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan