20:40 28/02/2022

Doanh nghiệp bất động sản mệt mỏi vì dự án vẫn tắc pháp lý

Nguồn cung nhà ở tại TPHCM ngày càng hạn chế, trong đó nguyên nhân chính là do thời gian thực hiện hồ sơ pháp lý cho các dự án bất động sản quá lâu.

Theo số liệu báo cáo mới đây nhất của UBND TP.HCM về tình hình thị trường bất động sản trong năm 2021 thì có một điều đáng quan tâm, đó là nguồn cung nhà ở năm 2021 so với năm 2020 về tổng dự án nhà ở đưa ra thị trường giảm 35,48%, tổng số căn nhà giảm 14,51%. Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM ngày càng hạn chế vì thời gian thực hiện hồ sơ pháp lý quá lâu. Trong năm 2021, cả TP.HCM chỉ ghi nhận 20 dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, không có dự án chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng nhà ở, không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Về thị trường bất động sản, TP.HCM hiện cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội vì theo nhu cầu thực tế, thường tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng trong thời gian qua tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 1% xuống 0%.

Thị trường bất động sản TPHCM đang thiếu hụt nguồn cung do dự án tắc pháp lý. Ảnh: B. Chương

Trong năm 2021, thị trường bất động sản TP.HCM phát triển chậm hơn so với cùng kỳ do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giản cách xã hội nên không có biến động lớn về lượng nhà ở trên diện rộng, nguồn cung các dự án rất hạn chế. Tuy nhiên, điều khiến cho các doanh nghiệp mệt mỏi đó chính là vì hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ về pháp luật xây dựng, đầu tư, quy hoạch, thuế… dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản lâm vào cảnh khan hiếm nguồn cung suốt gần 4 năm qua. Lý do của việc khan hiếm nguồn cung này là do nhiều dự án đã không thể triển khai thêm trong suốt nửa năm nay do vướng mắc ở một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. 

Đơn cử như ngày 26/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Trong đó, quy định cụ thể các trường hợp được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở khi có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Hoặc có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở. Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại.

Với quy định này, các dự án nhà ở thương mại gần như tắc 100% vì chỉ có những dự án có dính đến đất ở thì nhà đầu tư mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, còn lại các loại đất khác nhưng không “dính” một chút đất ở nào như trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở thì không được lựa chọn chủ đầu tư.

Hiện nay, với việc quỹ đất ở các khu vực trung tâm cạn kiệt, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã chi số tiền lớn để phát triển quỹ đất ở các khu vực mới. Tuy nhiên, với quy định mới này, mặc dù các lô đất này đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố qua các thời kỳ có mục đích đất ở nhưng không thể triển khai được dự án do… không dính một vài mét vuông đất ở hiện hữu.

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản và thị trường vẫn đang trông đợi vào việc Bộ Tư pháp sẽ có những giải pháp nhanh chóng để tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án và giúp cho doanh nghiệp có lối thoát.

Theo Gia Miêu

Báo Lao động

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan