Sau chuỗi giảm sàn liên tiếp, từ đầu tuần này các cổ phiếu bất động sản đang ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trở lại nhờ lần lượt đón nhận dòng tiền lớn vào "giải cứu". Khi giá cổ phiếu được chiết khấu sâu về mức giá được cho là khá hấp dẫn, liệu đây đã là thời điểm an toàn để nhà đầu tư "xuống tiền"?
Xuất hiện dòng tiền giải cứu cổ phiếu bất động sản
Tuần 21 - 15/11, chứng khoán tiếp nối đà đi lên, thanh khoản sụt giảm nhưng dòng tiền lại khá mạnh ở nhóm bất động sản. Hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm này đứng top về mức tăng thanh khoản trên sàn HOSE. Các mã bất động sản NVL, PDR, EVG, KHG, DHM, CIG, LDG HDG, NLG, HAR dẫn đầu toàn sàn HOSE về mức tăng thanh khoản. Trong đó, thanh khoản của NVL và PDR tăng đột biến đạt 33,9 triệu đơn vị/phiên và 8,1 triệu đơn vị/phiên.
Trong phiên 22/11 và 23/11, hàng trăm triệu cổ phiếu giá sàn của NVL đã được khớp lệnh sau 12 phiên giảm sàn gần như mất thanh khoản. Tương tự, PDR có phiên giải cứu 22/11 sau 12 phiên sàn liên tiếp. Trong phiên, gần 35 triệu cổ phiếu PDR được sang tay. Tuy dòng tiền giải cứu xuất hiện nhưng đà giảm sàn của NVL và PDR vẫn kéo dài thêm sau đó.
Phải đến phiên giao dịch đầu tuần ngày 28/11, cổ phiếu NVL (Novaland) mới được “giải cứu” thành công về mức giá tham chiếu, chấm dứt chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp nhờ hàng nghìn tỷ đồng được đổ vào mua bắt đáy. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu NVL trong phiên lên đến hơn 104 triệu đơn vị với giá trị giao dịch tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng, cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của NVL, chỉ sau kỷ lục của phiên giải cứu bất thành ngày 22/11. Dù NVL thu hẹp đà giảm so với đầu tháng xuống còn gần 69%, vốn hóa thị trường NVL cũng đã bị thổi bay gần 94.000 tỷ đồng.
Tiếp đến trong phiên 29/11, hơn 79 triệu cổ phiếu của PDR đã được khớp lệnh ở mức giá sàn. Sau 30 phút giao dịch, có hơn 90 triệu đơn vị được trao tay. Lực cầu lớn giúp PDR nhanh chóng tím trần lên mức giá 12.800 đồng/cp và duy trì suốt phiên giao dịch. Đồng thời kết thúc chuỗi giảm điểm 20 phiên liên tiếp, dư mua giá trần hiện đạt hơn 19 triệu đơn vị. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, cổ phiếu PDR vẫn ghi nhận mức giảm 71% từ đầu tháng tương ứng vốn hóa bị thổi bay 20.750 tỷ đồng.
Đến lượt cổ phiếu Hải Phát Invest được “giải cứu”
Cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest đã giảm sàn “trắng bên mua” 13 phiên liên tiếp tính đến hết ngày 29/11. Trong chưa đầy một tháng, cổ phiếu này giảm đến 67% qua đó rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết tháng 7/2018. Tuy nhiên ngay khi kết thúc phiên ATP, sau khi gần 80 triệu cổ phiếu chất bán giá sàn được hấp thu hết, giá cổ phiếu lập tức được đẩy nhanh lên mức giá trần 9.300 đồng/cp.
Tính đến hết phiên giao dịch sáng 30/11, cổ phiếu HPX đã khớp lệnh hơn 141 triệu đơn vị, chiếm hơn 46% tổng khối lượng lưu hành của công ty. Trong đó, hơn 38 triệu cổ phiếu được khớp lệnh ở mức giá trần.
Trước đó, trong bối cảnh cổ phiếu liên tục giảm sàn, Hải Phát Invest đã có lần thứ 2 đưa ra văn bản giải trình sau 10 phiên giảm sàn liên tiếp và tiếp tục khẳng định công ty hiện vẫn đang hoạt động bình thường, không có thông tin làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. “Cổ phiếu HPX được niêm yết công khai trên HoSE, giá cổ phiếu giảm là do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản” - Hải Phát Invest khẳng định.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu lao dốc, gia đình Chủ tịch CTCP Đầu tư Hải Phát đã bị buộc bán giải chấp cổ phiếu tại nhiều công ty chứng khoán với khối lượng lên đến hàng triệu cổ phiếu.
Liên tiếp trong 2 ngày 16/11 và 17/11, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank cùng Công ty Chứng khoán SmartInvest đã ra thông báo bán lần lượt 2,3 triệu và 1,7 triệu cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát. Đến ngày 21/11, các công ty chứng khoán gồm Chứng khoán Mirea Asset Chứng khoán Tiên Phong (TPS) và Chứng khoán MB (MBS) thông báo sẽ bán giải chấp tổng cộng gần 3,5 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải. Tất cả đều sẽ bắt đầu từ ngày 21/11.
Vợ ông Hải là bà Chu Thị Lương cũng phải bán giải chấp tại 2 tài khoản ở TPS và MBS. Bà Lương dự kiến phải bán lần lượt 409.300 cổ phiếu ở tài khoản TPS và 528.800 cổ phiếu ở tài khoản MBS từ ngày 21/11 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ. Tại MBS, em ruột ông Hải là ông Đỗ Quý Đường cũng phải bán giải chấp 21.700 cp (dự kiến) để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ.
Cổ "đất" đã hấp dẫn trở lại?
Những tín hiệu tích cực của nhóm "cổ đất" xuất hiện sau khi Chính phủ đã có những động thái tìm giải pháp ổn định các thị trường. Áp lực từ trái phiếu hay làn sóng call margin chéo, call margin lãnh đạo đang dần đi qua đối với những mã bất động sản. Thị giá cổ phiếu nhóm này đã giảm rất sâu, nhiều mã đã giảm về dưới thị giá, kích hoạt dòng tiền “bắt đáy” từ nhiều nhà đầu tư. Nhiều lãnh đạo của các công ty BĐS cũng đã xuống tiền mua vào cổ phiếu công ty khi đã được chiết khấu rất sâu.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc bắt đáy cổ phiếu BĐS trong thời điểm này là rất rủi ro và mạo hiểm. Thực tế, thị trường BĐS vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn về thanh khoản khi các kênh dẫn vốn đều bị siết chặt. Mặc dù, hiện ngành BĐS vẫn đang chờ đợi một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ. Tuy vậy, dòng tiền có chảy vào ngành BĐS hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Về phía doanh nghiệp, dù đã đưa ra nhiều biện pháp, song áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn tồn tại.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco nhấn mạnh, không đánh giá cao đợt hồi phục của nhóm cổ phiếu BĐS, bởi các rủi ro, khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài trong 1-2 năm tới.
"Nhà đầu tư tạm thời chưa nên giải ngân vào nhóm xây dựng, BĐS hoặc các ngân hàng tư nhân có quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn", ông Khoa nói.
Xét về dòng tiền, theo ông Khoa, có thể nhận thấy khối lượng giao dịch của VN-Index đã cao hơn đáng kể so với trung bình 20 phiên. Sự hồi phục về khối lượng giao dịch trong các tuần gần đây có sự hỗ trợ lớn từ khối ngoại, khi họ mua ròng mạnh gần 10.000 tỷ trên sàn HoSE kể từ đầu tháng 11, tập trung tại các phiên thị trường giảm sâu. Ông Khoa kỳ vọng diễn biến dòng tiền của khối ngoại sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường chung trong thời gian tới từ đó giúp thị trường sớm lấy lại điểm cân bằng.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn nên kiểm soát rủi ro danh mục thông qua việc duy trì tỷ lệ tiền mặt nhất định và chỉ tham gia với tỷ trọng vừa phải khoảng 10-20% danh mục cũng như hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại phòng trường hợp thị trường đột ngột đảo chiều. Một số nhóm ngành có thể lựa chọn như: Hàng tiêu dùng thiết yếu do không có tính chu kỳ và được hưởng lợi khi giá logistic giảm; Nhóm bảo hiểm hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng; Nhóm ngân hàng quốc doanh do nền tảng cơ bản tốt và có định giá hấp dẫn; và Các cổ phiếu đang được thu hút dòng tiền khối ngoại trong 1 tháng gần đây.
Trung Anh
thuongtruong.com.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận