Đánh giá cao về Dự thảo Nghị định về lãi suất cấp bù vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, song các doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về khả năng tiếp cận.
Có khả năng trả nợ, mới được hỗ trợ lãi suất
Ngân hàng Nhà nước vừa lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.
Dự thảo Nghị định và Thông tư nhằm triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua. Dự kiến, trong tháng 3/2021, Nghị định và Thông tư sẽ được ban hành.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đưa ra Dự thảo kịp thời, quy định cụ thể, chi tiết, đối tượng áp dụng khá rộng và xác đáng. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin. Điều kiện cụ thể từng ngành nghề sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
Các doanh nghiệp vay vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố cũng được hỗ trợ lãi suất. Bộ Xây dựng có trách nhiệm công bố danh mục dự án và chủ trì xử lý các vướng mắc liên quan đến các đối tượng này.
Khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, phải sử dụng vốn vay đúng mục đích. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng.
Khoản vay sẽ không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất nếu xuất hiện lãi quá hạn/lãi chậm trả. Khách hàng cũng không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không được giữ nguyên nhóm nợ. Riêng khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn được tiếp tục hỗ trợ lãi suất. Quy định này nhằm đảm bảo hỗ trợ lãi suất cho đúng khách hàng gặp phải nguyên nhân khách quan bất khả kháng.
Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua.
Chặn trục lợi chính sách
Để được hỗ trợ lãi suất, tại thỏa thuận cho vay hoặc phụ lục sửa đổi thỏa thuận cho vay hoặc chứng từ nhận nợ, khách hàng phải ghi rõ mục đích vay vốn thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, nhằm đảm bảo thuận tiện trong công tác thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sau này. Nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, thì có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả ngân sách.
Quy định chặt chẽ như trên nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau khi vay vốn lại sử dụng vốn này đi đầu tư bất động sản hoặc các lĩnh vực không được ưu tiên khác.
Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, lãi suất cho vay thấp có nguy cơ làm gia tăng hành vi sử dụng vốn thiếu cẩn trọng của doanh nghiệp, rủi ro đạo đức gia tăng, khách hàng có tâm lý chây ỳ không trả nợ, vì cho rằng được Nhà nước hỗ trợ, cho vay đảo nợ để hưởng chính sách…, từ đó có thể dẫn tới gia tăng nợ xấu. Hơn nữa, Nhà nước khó có thể kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ, nên có thể xảy ra nguy cơ trục lợi chính sách.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc Ngân hàng Nhà nước sớm đưa Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất ra lấy ý kiến nhằm đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa vấn đề phát sinh...
Về điều kiện giải ngân, thủ tục quyết toán
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, điều khiến các ngân hàng TMCP băn khoăn nhất hiện nay là thủ tục quyết toán cấp bù lãi suất.
Dự thảo Nghị định quy định, Bộ Tài chính tạm cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại theo định kỳ hàng quý, số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý.
“Các ngân hàng thương mại đang kiến nghị Bộ Tài chính nâng mức tạm ứng lên 95%, đồng thời đề nghị điều kiện, thủ tục quyết toán phải chi tiết, rõ ràng hơn nữa, tránh trường hợp như năm 2009, đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong”, ông Hùng kiến nghị.
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra một số thách thức. Việc triển khai đồng thời chương trình hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tạo áp lực với điều hành chính sach tiền tệ. Quy mô chương trình rất lớn, trong khi nguồn nhân lực thanh tra, giám sát có hạn, nên việc thực hiện thanh tra, giám sát hỗ trợ lãi suất của các tổ chức tín dụng sẽ gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp bù lãi suất là 40.000 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi năm là 1 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, dư nợ của các ngành được hỗ trợ trong 2 năm 2022 và 2023 đều vượt 1 triệu tỷ đồng.
Một thách thức nữa là một số ngân hàng thương mại có thể không mặn mà triển khai do lợi nhuận thấp, áp lực từ thanh kiểm tra, phải báo cáo thường xuyên, rủi ro không được quyết toán… Về phía doanh nghiệp, nỗi lo lớn nhất là không đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này, do sức khỏe của nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Không hạ chuẩn tín dụng với gói hỗ trợ lãi suất sẽ đảm bảo an toàn cho ngân hàng. Song trong bối cảnh hơn 90% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thì việc siết chặt điều kiện cấp tín dụng với gói này sẽ khá khó khăn với doanh nghiệp”, ông Tô Hoài Nam nói.
Theo Hà Tâm
Báo Đầu tư
0 Bình luận
Gửi bình luận