12:42 17/03/2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về hiện tượng “quân xanh - quân đỏ”, bỏ cọc trong đấu giá đất?

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế...

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Quochoi.vn

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn chiều 16/3, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các địa phương đã đẩy mạnh việc này để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Cơ bản việc này đã hạn chế tiêu cực, lợi dụng cơ chế xin - cho, chỉ định người được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tài sản và góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. 

Nhiều "lỗ hổng" pháp lý

Tuy nhiên, ông Hà nhìn nhận, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh- quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

"Có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để 'dìm giá'...", Bộ trưởng cho biết và dẫn ví dụ về vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020 và tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội năm 2021.

Phân tích nguyên nhân của hiện tượng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Hà cho rằng quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của Việt Nam còn bất cập, hạn chế.

Theo ông, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt như đấu giá quyền sử dụng đất.

Cụ thể là quy định về mức tiền đặt trước chưa phù hợp, chưa có quy định về thời gian, trách nhiệm của người có tài sản trong việc thẩm tra hồ sơ, điều kiện và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến đối với các tài sản công có giá trị cao như thông lệ đấu giá tài sản công của các nước trên thế giới...

"Hiện nay, mới chỉ có Luật Đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có quy định về điều kiện, năng lực tài chính của tổ chức tham gia. đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật bao gồm pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật về tín dụng, pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở chưa quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong bối cảnh hiện nay", ông Hà nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, việc áp dụng pháp luật về quản lý thuế để xử lý cho trường hợp đấu giá đất là chưa phù hợp. Nguyên nhân là việc thực hiện cam kết trong hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá là tự nguyện theo pháp luật dân sự, không giống như trường hợp được Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất (quyết định hành chính).

Một "lỗ hổng" pháp lý nữa được Bộ trưởng Hà chỉ ra là thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài. Ví dụ với trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm là 180 ngày.

"Đây là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...", Bộ trưởng nhìn nhận.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương
Trên cơ sở các phân tích trên, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề ra một loạt giải pháp để khắc phục tình trạng bất cập trong hoạt động đấu giá đất thời gian tới.

Cụ thể, cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất bởi giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể. Bên cạnh đó, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó trú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan như Bộ Tư Pháp với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo làm tốt công tác xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến.

Phiên chất vấn sáng ngày 16/3 - Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi), thực hiện các thủ tục, trình tự xây dựng dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định những chủ trương lớn cần cần tiếp tục đổi mới trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bộ cũng chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để xác định các nội dung còn chồng chéo, thiếu thống nhất để sửa đổi. 

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi...

Dự án luật này đã được Quốc hội thông qua đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự kiến xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 5 tới và lần thứ hai tại kỳ họp tháng 10.

Chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó bất cập liên quan tới đấu giá đất. 

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Sàng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.

Theo Quang Trung

VnEconomy

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan