Theo khảo sát mới đây của VnExpress, 45,6% người trả lời cho biết sẽ lùi dài hạn việc mua nhà, trong khi 30,4% lùi kế hoạch này trong ngắn hạn.
Cùng trả lời câu hỏi Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến khả năng mua nhà, có 24,1% độc giả cho biết dịch bệnh gây ảnh hưởng không đáng kể, nếu có sản phẩm tốt, họ vẫn sẵn sàng mua.
Trong nhiều yếu tố khiến mọi người đau đầu khi mua nhà, bài toán tài chính được đề cập nhiều nhất. Theo đó, 25,3% số người được hỏi chưa có đủ vốn tự có; 8% lo lắng việc trả lãi ngân hàng; 11,4% vừa băn khoăn đến bài toán trả lãi ngân hàng, vừa không có đủ vốn tự có.
Nguồn cung hạn chế cũng khiến nhiều người mua nhà trăn trở, khi 10,1% người được hỏi không tìm được sản phẩm đầu tư phù hợp. Những yếu tố khác như việc hạn chế di chuyển, lệnh phong tỏa và giãn cách do diễn biến dịch bệnh kéo dài, cũng cản trở việc mua nhà.
Đối với câu hỏi, nên mua hoặc đổi nhà bằng vốn tích lũy hay vay ngân hàng, có tới 70,9% độc giả cho rằng nên kết hợp cả hai phương án, dùng vốn tích lũy kết hợp vay ngân hàng.
Đặc biệt, khoảng 7,6% ưu tiên phương án vay 100% từ ngân hàng. 34,2% người tham gia khảo sát chọn vay ngân hàng 50%, còn lại sử dụng vốn tự có; 31,6% lựa chọn vay đến 70% giá trị căn hộ. Những người còn lại chọn tỷ lệ vay thấp hơn.
Trả lời về kế hoạch sử dụng căn hộ cũ sau khi sở hữu căn hộ mới, 46,8% người được hỏi dự kiến sử dụng căn nhà cũ để cho thuê, thêm thu nhập thụ động mỗi tháng. Khoảng 32,9% độc giả có dự định bán nhà cũ lấy vốn. 20,3% người trả lời có kế hoạch thế chấp nhà để vay thêm tiền mua nhà mới.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tính riêng quý III/2021, khoảng 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trong số này, khoảng 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh;12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Trong bối cảnh thu nhập của số đông đều bị ảnh hưởng cùng những hạn chế di chuyển do dịch bệnh, các chủ đầu tư đã linh hoạt đưa ra các giải pháp để kích thích thị trường. Báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield nhận xét, trong quý IV/2021, thị trường tiếp tục xuất hiện nhiều chương trình, chính sách bán hàng hấp dẫn.
Bất động sản trung tâm TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo Savills, sự thay đổi về cơ cấu dân số tại thành thị là yếu tố thúc đẩy những nhu cầu mới trong thị trường nhà ở. Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 10 triệu người ở các thành phố lớn trong thập kỷ tới, với tỷ lệ đô thị hóa cả nước tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030. Đến năm 2025, dân số Hà Nội dự kiến đạt 9 triệu người, với dân số thành thị chiếm khoảng 61% tổng dân số - tăng từ mức 49% vào năm 2019. Số liệu trên tương đương khoảng 72.000 hộ gia đình thành thị thêm mới mỗi năm.
Tại TP HCM, một thống kê năm 2019 cho thấy, thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Nhu cầu nhà ở của người dân thành phố rất lớn và không ngừng tăng thêm, quy mô mỗi năm thêm 200.000 người, chủ yếu là tăng cơ học.
Theo Hoài Phong
VnExpress
0 Bình luận
Gửi bình luận