Chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc được đặc trưng bởi bố cục mở, nội thất linh hoạt và thiết kế tối giản, đem đến cảm giác tinh tế và thoải mái.
Trào lưu kiến trúc hiện đại xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX, kéo dài đến thập niên 1980, bắt nguồn từ châu Âu và phản ánh tinh thần của thời kỳ công nghiệp. Trào lưu này được khởi xướng khi các kiến trúc sư cho rằng, phong cách kiến trúc cổ điển không phản ánh được thời đại mới, không có nhiều sức sống và trói buộc con người vào quá khứ bằng những nét trang trí phức tạp, rườm rà.
Chủ nghĩa hiện đại tập trung vào những đường nét, hình khối, hình dạng rõ ràng, sắc nét, tối giản, được liên kết với nhau để tạo thành một bố cục mạnh mẽ, dứt khoát, khác hẳn với bố cục rườm rà của phong cách cổ điển. Màu sắc của chủ nghĩa hiện đại có thể là bất cứ màu nào, thường là những màu sắc tự nhiên, đơn sắc, hoa văn đơn giản kết hợp với nhau và chọn ra 1 đến 2 màu là chủ đạo.
Vì phong cách hiện đại là đại biểu cho thời kỳ công nghiệp với những chuyển biến lớn về kinh tế, xã hội, công nghệ, nên trong thiết kế được ứng dụng linh hoạt các loại vật liệu mới của thời kỳ đó như kính, thép, bê tông. Ánh sáng tự nhiên và nhân tạo đều được chú trọng trong thiết kế của chủ nghĩa hiện đại với những tính toán để gia tăng bề mặt tiếp xúc và tận dụng ánh sáng từ mọi phía. Cùng với đó, chủ nghĩa hiện đại tôn vinh không gian mở, phong cách sống gần gũi với thiên nhiên và môi trường bên ngoài.
Ấn phẩm phát hàng tháng 1/2022 thuộc series Dezeen Lookbooks của tạp chí kiến trúc Dezeen đã giới thiệu những không gian đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại với bố cục mở và thiết kế tối giản.
Căn hộ Barbican, Vương quốc Anh, thiết kế bởi văn phòng Takero Shimazaki Architects
Căn hộ nằm trong tòa tháp Shakespeare, một trong ba tòa nhà cao tầng thuộc khu phức hợp nhà ở Barbican của thành phố London, Vương quốc Anh. Chủ sở hữu của căn hộ này đã có vài năm sinh sống tại Nhật Bản và được truyền cảm hứng bởi văn hóa, ngôn ngữ và phong cách kiến trúc của đất nước này. Do đó, họ chọn công ty kiến trúc Takero Shimazaki Architects của các kiến trúc sư Nhật Bản để tu sửa và hoàn thiện căn nhà.
Các kiến trúc sư đã lên ý tưởng thiết kế theo phong cách của chủ nghĩa hiện đại mang đậm bản sắc Nhật Bản với cảm hứng từ những tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng Seiichi Shirai, người đã kết hợp “kiến trúc truyền thống Nhật Bản và ngôn ngữ châu Âu trong công việc của mình”.
Không gian phòng khách của căn hộ được điểm xuyết bằng một số chi tiết lấy cảm hứng từ kiến trúc Nhật. Ở phía sau của khu vực sinh hoạt hình chữ L là một ngóc ngách ấm cúng có sàn trải chiếu tatami (một loại tấm lát sàn truyền thống của Nhật) để cân bằng với sự nặng nề của những bức tường bê tông xung quanh. Kết hợp với đó là một mảng sàn cạnh cửa ra vào được hoàn thiện bằng cách sử dụng araidashi - một phương pháp thủ công truyền thống của Nhật Bản, lát bằng đá cuội trộn vữa, rửa sạch bằng nước trước khi khô và trở thành bề mặt hoàn chỉnh.
Ảnh: Anton Gorlenko
Khách sạn Valley Ho, Mỹ, thiết kế bởi Anissa Mendil
Khách sạn Valley Ho, thuộc tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ Edward L Varney từ năm 1956 và được coi là một trong những công trình mang tính biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại thời kỳ đầu. Đến những năm 1990, khách sạn này đã bắt đầu quá trình cải tạo và nâng cấp để gìn giữ danh tiếng với tiêu chí giữ nguyên những giá trị của chủ nghĩa hiện đại đã được thể hiện trong thiết kế của nó.
Nội thất của 241 phòng và dãy phòng đã được nhà thiết kế Anissa Mendil tân trang lại. Màu vàng bóng trở thành tông màu chủ đạo của một số đồ nội thất như tủ bếp và tủ trữ đồ. Các tông màu khác như đỏ đô, trắng, nâu, cam cũng được kết hợp hài hòa. Những tấm gỗ, sàn gạch terrazzo, bê tông và kính là những chất liệu được ứng dụng để đem lại tinh thần của chủ nghĩa hiện đại.
Ảnh: Hotel Valley Ho
Villa Weinberg, Đan Mạch, thiết kế bởi Weinberg Architects và Friis & Moltke
Một ngôi nhà kiểu nông thôn những năm 1940 tại Đan Mạch đã được đại tu bởi các kiến trúc sư với ý tưởng về một không gian mở, hiện đại, ấm cúng cho gia đình.
Không gian của ngôi nhà được kết hợp bởi những căn phòng sơn trắng tối giản và một số phòng được bao bọc từ trần đến sàn bằng những tấm ván gỗ sồi đã qua xử lý dầu, được ngăn cách bằng những ô cửa sổ hình hộp lớn, giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên cho không gian bên trong. Những đường nét rõ ràng và hình khối tối giản đặt cạnh nhau trong ngôi nhà đặc trưng cho chủ nghĩa hiện đại, cùng với không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Đối lập với phần nội thất được cấu tạo chủ yếu từ gỗ tự nhiên, phần ngoại thất của ngôi nhà lại được ốp bằng những tấm gỗ sơn đen. Ngôi nhà từng được trao Giải thưởng Kiến trúc Thành phố Aarhus năm 2008 vì thiết kế đặc biệt, sáng tạo và tinh nghịch, phá vỡ hình dạng vuông vức của khu đất bằng sự sắp xếp cẩn thận các góc và hình khối.
Ảnh: Mikkel Mortensen
Kew Residence, Úc, thiết kế bởi John Wardle Architects
Nhà sáng lập công ty kiến trúc John Wardle Architects của Úc đã thiết kế lại ngôi nhà 25 năm tuổi của mình tại thành phố Melbourne với phong cách của chủ nghĩa hiện đại cùng đồ nội thất phủ tro Victoria và gạch tráng men thủ công của Nhật Bản. Ngôi nhà từng lọt vào danh sách Nhà ở của năm tại Giải thưởng Dezeen 2020.
Nhà bếp và phòng làm việc ở tầng 1 là tâm điểm của ngôi nhà. Kiến trúc sư John Wardle khi thiết kế lại căn nhà của chính mình đã tập trung tạo thêm nhiều không gian để trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật và điêu khắc gốm sứ của 2 vợ chồng ông.
Tro Victoria (Victorian ash) là loại vật liệu bản địa xuất xứ từ bang Victoria của Úc. Đây là tên thương mại của 2 loại gỗ cứng được tìm thấy ở các khu vực núi cao của bang Victoria. Tro Victoria được kiến trúc sư John Wardle sử dụng làm vật liệu chính của ngôi nhà, trong đó có phần trần và sàn để tạo cảm giác như đang sống trong “chiếc kén” của tự nhiên. Bên cạnh loại gỗ đặc trưng, kiến trúc sư cũng ứng dụng gạch men Nhật Bản từ thương hiệu INAX với 5 kiểu gạch men khác nhau, được trang trí và ứng dụng khắp nơi trong căn nhà.
Hệ thống cửa sổ cũng được vị kiến trúc sư tài ba bố trí một cách độc đáo với 5 ô cửa sổ, một vài ô thông gió và được sắp xếp xung quanh tầm nhìn của chủ nhân ngôi nhà ra khắp thành phố Melbourne xinh đẹp.
Ảnh: Trevor Mein, Sharyn Cairns
Căn hộ Biscuit Loft, Mỹ, thiết kế bởi OWIU Studio
Studio kiến trúc và thiết kế OWIU Studio đã cải tạo một căn hộ trong một nhà máy cũ ở khu trung tâm Downtown Los Angeles của Mỹ với các yếu tố Nhật Bản. Căn hộ có tên là Biscuit Loft, nằm trong một nhà máy sản xuất bánh mì được xây dựng từ năm 1925 và đã được chuyển đổi thành căn hộ cách đây 15 năm.
Studio thiết kế đã cải tạo không gian tầng trệt của tòa nhà thành một ngôi nhà riêng rộng 493m2 và mở rộng ban công gác lửng để tạo ra một văn phòng yên tĩnh. Kết quả của quá trình tu sửa là “một căn hộ kết hợp các nguyên tắc kiến trúc của châu Á với một khu công nghiệp trung tâm thành phố Los Angeles, đem đến một môi trường sống thoải mái, truyền cảm hứng cho lối sống chu đáo và tỉnh táo”.
Tầng trệt của căn hộ là khu vực sinh hoạt với không gian mở, liên kết với nhà bếp và khu vực ăn uống nằm dưới tầng lửng, bên cạnh là phòng ngủ dành cho khách và phòng tắm riêng. Phòng ngủ được trang trí bằng rất nhiều tủ lưu trữ tích hợp theo phong cách Nhật Bản để đem đến cảm giác tối giản, tiết kiệm không gian cùng với chiếu tatami truyền thống của xứ anh đào.
Ứng dụng hình học, hình khối tối giản của chủ nghĩa hiện đại có lẽ được thể hiện rõ nhất ở phần cầu thang độc đáo của căn hộ. Lan can cầu thang được ghép từ 10 tấm gỗ với hình dạng tùy ý, với 4 góc nhô ra, tạo thêm cho khu vực văn phòng phía trên một khoảng trống giống như ban công Juliette - kiểu ban công nhỏ nhô ra khỏi tòa nhà và có lan can bao quanh, được lấy cảm hứng từ phân cảnh trò chuyện giữa nàng Juliette và chàng Romeo trong tác phẩm nổi tiếng của Shakespeare.
Ảnh: Mattew Milman
Căn hộ Brasilia, Brazil, thiết kế bởi Debaixo do Bloco Arquitetura
Căn hộ này nằm trong tòa nhà dân cư 308S tại thủ đô Liên bang Brasília của đất nước Brazil, xây dựng từ những năm 1960 và được studio kiến trúc Debaixo do Bloco Arquitetura tu sửa lại theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Studio Debaixo do Bloco Arquitetura đã phân chia lại bố cục tiêu chuẩn của căn hộ, chia các khu vực sinh hoạt chính thành hai không gian riêng biệt. Trong sơ đồ mặt bằng, các bức tường bê tông được bỏ bớt để tạo thành một không gian chung duy nhất cho gia đình quây quần.
Các kiến trúc sư đã tính toán cẩn thận để bảo tồn những yếu tố thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại trong căn hộ, bao gồm cả sàn granite và màn chắn cobogo màu trắng (phong cách kiến trúc Brazil tiêu biểu với các tấm chắn cho phép ánh sáng xuyên qua). Đại diện studio cho biết: “Dự án tôn vinh kiến trúc Brazil đồng thời kết hợp với công nghệ và tài liệu tham khảo của chủ nghĩa hiện đại”.
Nội thất của căn hộ bao gồm những chiếc tủ màu đen với cửa kính gấp nếp tương phản với mặt bàn màu trắng trong nhà bếp. Ánh sáng tự nhiên xuyên qua các ô vuông trên bức tường cobogo để làm bừng sáng không gian.
Bức tường cobogo trắng mang đậm phong cách Brazil. Ảnh: Joana France
Trong phòng khách, những chiếc kệ gỗ thấp bao quanh không gian tạo thành một băng ghế trước cửa sổ lớn và cũng là nơi lưu trữ các đồ vật dọc theo bức tường bên trong. Phòng khách được trang trí với ghế dài màu xám và bàn gỗ. Tường ốp gỗ cũng là một trong những chi tiết chủ đạo của căn nhà, gợi lên không gian tối giản, trầm ấm.
Có thể thấy, nhiều ngôi nhà theo phong cách của chủ nghĩa hiện đại chọn gỗ là vật liệu chủ đạo bởi sự tối giản, bền bỉ mà vẫn mang đậm dụng ý nghệ thuật của nó. Chủ nghĩa hiện đại không bó hẹp ý tưởng của các kiến trúc sư trong một vài dạng hình học cụ thể, mà thay vào đó khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo thông qua những đường nét, mảng miếng và hình khối độc đáo, thú vị trong sự sắp xếp thông minh, tinh tế.
Phong cách mở, tối giản và thông minh của chủ nghĩa hiện đại đem đến cho con người cảm hứng sống đơn giản, thanh lịch và giàu suy ngẫm. Mặc dù thời kỳ hưng thịnh của chủ nghĩa này đã trôi qua nhiều thập kỷ, nhưng những giá trị của nó vẫn được rất nhiều kiến trúc sư trên thế giới tôn vinh, trân trọng và ứng dụng trong những sản phẩm thực tế./.
Theo Thúy Quỳnh
Reatimes.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận