Trong tháng cuối năm 2021, tỷ lệ phát hành trái phiếu từ các ngân hàng bất ngờ "chiếm lĩnh" thị trường với 71,36% tổng giá trị phát hành.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12/2021, có 80 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã diễn ra với tổng giá trị 65.757 tỷ đồng.
Ngân hàng chiếm ưu thế vượt trội về giá trị phát hành trái phiếu với 46.926 tỷ đồng, chiếm tới 71,36% tổng giá trị phát hành. Tỷ lệ này vượt xa so với tỷ lệ chỉ 9,97%, ương ứng giá trị 6.558 tỷ đồng của nhóm có giá trị phát hành lớn thứ hai là bất động sản.
Cục diện tháng 12 theo đó đã thay đổi hoàn toàn so với trước đó, bởi lẽ trong tháng 11 bất động sản mới là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng. Ngân hàng chỉ là nhóm ngành xếp thứ 2 trong tháng 11 về tổng giá trị phát hành 7.950 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị phát hành trong tháng.
Trong tháng 12, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là ngân hàng phát hành trái phiếu với giá trị lớn nhất trong nhóm các ngân hàng phát hành trái phiếu tháng 12/2021, đạt 9.970 tỷ đồng sau 6 đợt phát hành. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) xếp thứ 2 với khối lượng phát hành 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn dao động từ 3 - 7 năm.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, phát hành trái phiếu là một trong những biện pháp cần thiết nhằm củng cố tấm đệm vốn cho ngân hàng, nâng cao năng lực vốn tự có theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Nhận xét về động thái ồ át phát hành trái phiếu trong tháng cuối năm của các ngân hàng, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng nhằm gia cố tỷ lệ an toàn vốn khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng mà tín dụng lại tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.
Mặt khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giãn, hoãn nợ thời gian qua theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đang khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, gây nên thiếu hụt vốn. Vì vậy, các ngân hàng vẫn cần tăng mạnh phát hành trái phiếu để bù đắp.
Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng cần tiền bổ sung vốn trung và dài hạn là có thật nên phải liên tục huy động vốn qua các thị trường, trong đó có trái phiếu. Thế nhưng, nhà đầu tư nào mua hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu này?
Các bản công bố thông tin phát hành trái phiếu của ngân hàng đều cho thấy bên mua chủ yếu là các ngân hàng và công ty chứng khoán. Thống kê của Fiin Group cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư mua trái phiếu chính với 56% tổng giá trị phát hành.
Thực tế, các ngân hàng mua trái phiếu thường có thiên hướng nắm giữ, ít bán cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng điều này lại dấy lên lo ngại việc ngân hàng mua trái phiếu lẫn nhau có thể khiến dòng vốn chảy lòng vòng trong hệ thống, dẫn đến hậu quả không minh bạch khó phân biệt được ngân hàng đang hút vốn nhằm bổ sung vốn trung và dài hạn để cho vay, hay phát hành trái phiếu chỉ là thủ thuật để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định./.
Theo Minh Khuê
Reatimes.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận