13:47 20/03/2024

TS Nguyễn Văn Đính: Phát triển nhà ở xã hội phải được chuyển sang tư thế chủ động, quyết liệt

Mới đây, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Tham dự Hội nghị, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến tình hình nhà ở xã hội và đề xuất, kiến nghị những giải pháp hỗ trợ nhà ở xã hội phát triển ổn định.

 TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)

Phát triển nhà ở xã hội còn khó thực hiện

Thông tin tại Hội nghị, TS Đính cho biết, thị trường bất động sản hiện nay đang có nguồn cung tương đối thấp. Trong khi đó mặt bằng chung giá bán vẫn ở mức neo cao, căn hộ chung cư có có xu hướng tăng mạnh tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Để hạ nhiệt giá bán, nhiều chủ đầu tư đã tham gia vào phát triển một số dự án làm tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, giá bình dân và nhà ở xã hội. Chính phủ cũng có động thái quan tâm khi phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Mặc dù đã có nhiều động thái hỗ trợ, song việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn bởi tình trạng quỹ đất sạch còn khan hiếm; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập; quy trình phê duyệt thủ tục còn nhiều hạn chế, trong đó thời gian chờ lên tới 2-3 năm.

Quang cảnh Hội nghị

Về tên gọi dự án hiện nay đang là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có cán bộ chính sách, nhà ở thu nhập thấp… thay vì tên gọi chung cho 11 nhóm đối tượng theo Luật cũng tạo ra nhiều tranh cãi khi có thể tạo ra mặc cảm cho người dân sinh sống, khiến giá nhà ở những khu vực này bị mất giá.

Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng.

Hơn hết với việc phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp hiện đang thiếu vốn để phát triển dự án. Tiếp đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên lãi suất vay vẫn con cao, chủ đầu tư đang bị khống chế lợi nhuận với mức 7-8%/năm ảnh hưởng tới khả năng trả lãi của người dân.

7 trợ lực thúc đẩy nhà ở xã hội

Theo đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, cần đẩy nhanh hơn tiến độ thực thi, ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, chậm nhất ngày 1/7/2024 giúp giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, giảm khó khăn về quy trình thực hiện thủ tục dự án.

Thứ hai, có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn riêng cho người mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng quỹ hỗ trợ nhà ở với vai trò hỗ trợ chủ đạo là Nhà nước, không phải ngân hàng thương mại; nâng mức cho vay lên mức 500 – 700 triệu đối với tỉnh lẻ và 1 tỷ đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Với các dự án đã được phê duyệt chủ đầu tư có thể được tự động tiếp cận nguồn vốn vay. Nên bỏ qua các quy trình về thẩm định, cho phép doanh nghiệp dùng phương pháp hậu kiểm, tự chịu trách nhiệm.

Thứ ba, đối với lãi suất cho vay, đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay xuống dưới 5% để phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư, cần đẩy mạnh tạo quỹ đất sạch vì ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Để thúc đẩy hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thứ năm, có cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho dự án thương mại nếu chuyển đổi sang nhà ở xã hội, giống các chính sách những năm 2013, 2014 về đất, vốn và quy trình thủ tục.

Thứ sáu, các quy định về thẩm định, thẩm tra đối với giá bán, lợi nhuận và đối tượng mua nên chú trọng hậu kiểm và trách nhiệm hình sự. Chính phủ chỉ tạo ra quy định, các đối tượng tham gia phải thực thi đúng.

Thứ bảy, thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội với vai trò chủ đạo là Nhà nước (chủ trương, đất, vốn…) nhằm mục đích an sinh xã hội và điều tiết nhu cầu. Trường hợp cần hỗ trợ từ doanh nghiệp thì phải tạo điều kiện tối đa cho họ.

Các địa phương cần phải xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là bắt buộc, phù hợp và tương xứng với quy trình phát triển đô thị, dân số; phát triển nhà ở xã hội phải được chuyển sang tư thế chủ động, quyết liệt thay cho thụ động, chờ đợi như hiện tại. Hơn hết, nên vinh danh các chủ đầu tư, địa phương có cống hiến và làm tốt những nhiệm vụ này.

“Cuối cùng, hy vọng rằng, cùng với sự quyết liệu từ Chính phủ, các điểm mới trong Luật, sự đồng hành tích cực từ các chủ đầu tư Đề án phát triển nhà ở xã hội sẽ có được kết quả tốt”, TS Đính kỳ vọng.

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan