Đầu xuân Nhâm dần 2022, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có những chia sẻ về kết quả của công tác thanh tra, chất lượng đoàn thanh tra trong giai đoạn 2015 – 2021 và những kế hoạch sắp tới để phát huy tốt hơn vai trò của ngành Thanh tra trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
PV: Thưa ông, lực lượng Thanh tra Bộ Xây dựng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và chính sách của nhà nước; đồng thời góp phần ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản... Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đó, ông có thể chia sẻ những kế hoạch, kết quả đã đạt được của đơn vị trong năm 2021 vừa qua?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong giai đoạn 2015 – 2021, hoạt động thanh tra của ngành Xây dựng tiếp tục được tăng cường, các chương trình, kế hoạch thanh tra và các cuộc thanh tra đột xuất được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, kết luận các cuộc thanh tra cụ thể, rõ ràng; các vi phạm, tồn tại được kiến nghị xử lý kịp thời và được đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành. Qua đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện pháp luật xây dựng, bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Xây dựng; đã phát huy được vai trò tham mưu thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021, tuy diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ, nhưng với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm cao trước công việc, sự tập trung chỉ đạo điều hành sát sao của tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực của công chức, người lao động, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ, phối hợp hiệu quả với các cục vụ thuộc Bộ, triển khai thực hiện tốt các yêu cầu về phòng chống dịch, làm việc trực tuyến, hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Thứ nhất, về triển khai thanh tra chuyên ngành, hành chính theo kế hoạch thanh tra, đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch 2021 (hoãn nhiều đoàn do dịch bệnh Covid-19), 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ. Cử cán bộ tham gia 4 đoàn thanh tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ thành lập tại TP. Hà Nội và 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam.
Ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 348,26 tỷ đồng, trong đó có 4 kết luận thanh tra trong công quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền 3,3 tỷ đồng; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 602,5 triệu đồng.
Đồng thời ban hành 18 kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Kết luận đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi kinh phí bảo trì vào tài khoản theo quy định và quyết toán số liệu để trong vòng 10 ngày chuyển sang ngay cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng. Buộc chủ đầu tư trong thời hạn 20 ngày trả lại cho cư dân diện tích 2.080m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng). Xử phạt vi phạm hành chính đối với 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là 1,03 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi kinh phí bảo trì vào tài khoản theo quy định.
Qua thanh tra cũng đã tổng hợp, bổ sung mới vào Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP 23 hành vi vi phạm, đề xuất tăng mức xử phạt 300 triệu đồng/hành vi vi phạm trong công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư.
Sau khi kết luận được công bố, đã có rất nhiều ban quản trị nhà chung cư gửi thư cảm ơn tới Bộ trưởng và Thanh tra Bộ vì đã giải quyết được những bức xúc tồn tại, kéo dài suốt nhiều năm nay. Các ban quản trị cũng cam kết sẽ quản lý và sử dụng phần kinh phí bảo trì đúng quy định của pháp luật, giúp sinh hoạt của hàng vạn cư dân tại các khu chung cư ngày càng tốt hơn.
Qua việc tổ chức thanh tra 24 nhà chung cư, cụm nhà chung cư, ban hành 18 kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị Lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trên toàn quốc có nhiều nhà chung cư tiến hành chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nhằm giải quyết triệt để các tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, tình trạng cư dân biểu tình, căng băng rôn tại nhà chung cư và các cơ quan chức năng gây mất mỹ quan đô thị, mất an ninh trật tự xã hội.
Thứ hai, về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài nên chủ yếu đơn thư gửi qua đường bưu chính, điện tử. Trong năm 2021, Thanh tra Bộ đã thực hiện tiếp 24 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 507 lượt đơn, tiếp nhận và giải quyết 5 vụ việc khiếu nại, 2 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền (đang trong quá trình giải quyết), còn lại là các đơn thư (vụ việc) đã có quyết định giải quyết, đơn thư trùng lặp, đơn không hợp lệ.
Thứ ba, về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng về công tác PCTN theo Quyết định số 101-QĐ/BCSĐ ngày 27/8/2018 của Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Thanh tra Bộ đã chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ ban hành 2 chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác PCTN của Bộ Xây dựng; 3 kế hoạch, 1 quy chế liên quan đến nhóm công tác về phòng, chống tội phạm năm 2021.
Chủ trì xây dựng 24 báo cáo định kỳ, chuyên đề, báo cáo đột xuất của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong đó có 13 báo cáo về công tác PCTN; 10 báo cáo về công tác phòng chống tội phạm.
Thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Bộ Xây dựng, Ban hành và triển khai quyết định số 50/QĐ-TTr ngày 18/5/2021 phê duyệt kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tại một số đơn vị thuộc Bộ…
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được Thanh tra Bộ Xây dựng quan tâm.
Thứ tư, về công tác đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ đã ban hành 53 văn bản đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra. Qua đó, các chủ đầu tư đã có 46 báo cáo việc thực hiện các kết luận thanh tra, trong đó thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ và Ngân sách Nhà nước theo kết luận thanh tra ban hành trong năm 2021 đạt 100%; nộp phạt theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền đạt tỷ lệ 96,52%.
Ngoài ra, nhiều đồ án quy hoạch đã được lập, thẩm định và phê duyệt lại; một số quy định của địa phương cũng đã được điều chỉnh phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế, ban hành các văn bản chấn chỉnh, thực hiện việc cung cấp thông tin về quy hoạch. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng đã chấn chỉnh về việc đăng tải thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, khắc phục các vi phạm về quy hoạch chi tiết xây dựng và xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định, lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì và chuyển kinh phí bảo trì theo quy định, thực hiện phê duyệt lại dự toán, giảm trừ thanh, quyết toán theo kết luận thanh tra; nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm.
PV: Với trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã và sẽ giải quyết những vướng mắc nào để khắc phục được sự chồng chéo, những bất cập và tồn tại, đề xuất sửa đổi các quy định, cơ chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng (đặc biệt trong quản lý thị trường bất động sản)?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Thanh tra Bộ Xây dựng luôn coi việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ quan trọng.
Cụ thể, ngày 25/12/2020, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị “Tọa đàm và tổng kết thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng” (gọi tắt là Nghị định 139) đối với 19 tỉnh thành phía Nam tại TP.HCM, qua đó đã ghi nhận nhiều tình huống, bất cập từ thực tế, đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp với Sở, Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương để soạn thảo Nghị định sửa đổi.
Theo đó, Dự thảo Nghị định mới gồm 91 Điều, chia thành 8 chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có 3 điểm mới của nghị định lần này là:
Thứ nhất, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Thứ hai, phủ kín chế tài xử lý hành vi vi phạm trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng; đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, hệ thống pháp luật chuyên ngành xây dựng và tình hình thực tiễn. Bãi bỏ 121 hành vi, bổ sung mới 138 hành vi, sửa đổi, bổ sung 185 hành vi, sửa đổi, bổ sung 7 nội dung lớn nhằm khắc phục những bất cập của thực tiễn.
Thứ ba, điều chỉnh tăng mức phạt tiền tại một số hành vi trong dự thảo, tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao, để lại hậu quả lớn cho xã hội như lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; trật tự xây dựng; kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư; các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được rà soát sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính răn đe và có tính khả thi cao trong thực tiễn.
Song song với việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, Thanh tra Bộ rất quan tâm đến công tác góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, luôn ý thức một cách nghiêm túc việc đối chiếu với chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành để loại bỏ những quy định chồng lấn, đảm bảo tính pháp lý của các quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến đóng góp đã được tiếp thu, quy định trong các văn bản pháp luật khi được ban hành như Luật Thanh tra sửa đổi, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, Luật Xây dựng sửa đổi…
Trong năm 2021, Thanh tra Bộ đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 86 văn bản tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, giải đáp pháp luật về xử phạt trong lĩnh vực xây dựng; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với Thanh tra Sở Xây dựng.
PV: Ông có thể chia sẻ về những định hướng trong năm 2022?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong năm 2022, Thanh tra Bộ sẽ tập trung thực hiện theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 1899/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 và chỉ đạo của Bộ trưởng, đặc biệt là Chủ trương phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ và Bộ Xây dựng để giúp cho người dân có thu nhập thấp, các công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà để ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Với tác động rất lớn của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, bùng phát nhanh tại các khu nhà trọ có người lao động, công nhân sinh sống nhưng chưa đảm bảo vệ sinh, vấn đề phát triển nhà ở cho các đối tượng này cần được quan tâm, nhất là tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung số lượng lớn công nhân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, trong đó có công tác hoàn thiện thể chế, nguồn vốn và một trong những nguyên nhân khiến phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn lớn là về quỹ đất. Việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị là cần thiết, qua đó có thể nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai.
Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, cũng như của Bộ.
Với chủ trương như trên, sau khi phối hợp với các cơ quan liên quan để tránh chồng chéo, tháng 11/2021, Thanh tra Bộ đã tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 1258/QĐ-BXD quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022, danh mục gồm 7 đoàn thanh tra các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ gồm:
Thứ nhất, tổ chức 2 đoàn thanh tra hành chính tại Văn phòng Bộ Xây dựng và Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam; nội dung thanh tra: “Thanh tra công tác quản lý tài chính, phòng chống tham nhũng và thực hiện các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao”.
Thứ hai, tổ chức 5 đoàn thanh tra chuyên ngành gồm: 3 đoàn thanh tra tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang; nội dung thanh tra: “Công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trong các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản”.
Thanh tra chuyên đề diện rộng tại 11 tỉnh, thành phố (dự kiến 8 đoàn) gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, gồm 2 chuyên đề:
Chuyên đề 1: Thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố).
Chuyên đề 2: Việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở. Chú trọng việc phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu (Ảnh: TL).
Căn cứ quy định của pháp luật về thanh tra, ngày 22/11/2021, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản số 580/TTr-TH gửi Thanh tra Sở Xây dựng 63 tỉnh, thành phố để định hướng việc xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, như sau:
Cụ thể, Thanh tra các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước ngành Xây dựng theo tình hình thực tế tại địa phương và yêu cầu quản lý nhà nước của Sở. Thanh tra 2 chuyên đề diện rộng theo Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 1258/QĐ-BXD ngày 19/11/2021.
Đối với chuyên đề 1 “Công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn”, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội lựa chọn một số chung cư có tình hình phức tạp, báo cáo Lãnh đạo Sở để thực hiện thanh tra (từ 10 ÷ 20 chung cư, cụm nhà chung cư).
Thanh tra Sở Xây dựng 10 tỉnh, thành phố phối hợp với Thanh tra Bộ để thực hiện khi có yêu cầu, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An . Thanh tra Sở Xây dựng 52 tỉnh, thành phố còn lại triển khai thực hiện theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Đối với chuyên đề 2 “Về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn (quan tâm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp)”, Thanh tra Sở Xây dựng 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.
Thanh tra Sở Xây dựng 52 tỉnh còn lại thực hiện theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Tổ chức thực hiện 2 chuyên đề, đề nghị Thanh tra các Sở báo cáo lãnh đạo Sở bố trí, triển khai trong quý I, quý II năm 2022 và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Bộ trước ngày 1/7/2022 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2022, ngày 23/11/2021, Chánh Thanh tra Bộ đã có văn bản số 581/TTr-TH gửi UBND các tỉnh thành phố kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-BXD ngày 19/11/2021 và danh mục Kế hoạch thanh tra 2022 của Bộ Xây dựng.
Về công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn vị tiếp tục thực hiện lịch tiếp công dân thường xuyên, định kỳ của Bộ trưởng.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, đơn vị tiếp tục triển khai việc kê khai, công khai tài sản thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP và Quyết định số 489/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ Xây dựng; nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai 3 thông tư mới của Thanh tra Chính phủ quy định về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để đảm bảo thực hiện thống nhất, gồm: Thông tư số 04/2021/TT-TTCP và Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021; Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021; Thông tư 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021.
Với khối lượng công việc rất lớn, hiện nay cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Xây dựng gồm 9 phòng được hình thành, hoạt động ổn định theo pháp luật thanh tra và đã phát huy được vai trò chuyên sâu trong công tác tham mưu thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước được Bộ giao phó.
PV: Năm 2022, thực hiện chuyên đề diện rộng, trong kế hoạch sẽ thanh tra, rà soát lại toàn bộ quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị… đang được dư luận hết sức quan tâm. Ông có thể cho biết tính cấp thiết của việc rà soát này, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Chủ trương phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất nhân văn của Chính phủ và Bộ Xây dựng, để giúp cho người dân có thu nhập thấp, các công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà để ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, dịch bùng phát nhanh tại các khu nhà trọ chưa đảm bảo vệ sinh, có người lao động, công nhân sinh sống, vấn đề phát triển nhà ở cho các đối tượng này càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Chủ trương phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp cho người dân có thu nhập thấp, các công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà để ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội (Ảnh: TL)
Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ đã quy định rõ việc dành phần quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị…
Tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, trong đó có liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, nguồn vốn…. Và một trong những nguyên nhân khiến phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn lớn là vấn đề về quỹ đất, kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được cho là tín hiệu mới gỡ khó cho bài toán này.
PV: Theo ông, để hoàn thiện thể chế giúp khơi thông quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đồng thời tạo động lực thu hút các nhà đầu tư quan tâm phát triển nhà ở xã hội, cần có những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội là giải pháp cấp thiết, trong đó cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng và có sẵn quỹ đất. Đồng thời, tập trung sửa đổi các Luật: Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong phát triển loại hình nhà ở này. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất với gói tín dụng 65.000 tỷ đồng.
Theo đó, trong gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định; gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ được triển khai theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng theo quy định được vay ưu đãi.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ đạo “nóng” gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Về chính sách dài hạn, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Cụ thể, trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Việt Khoa
Reatimes.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận