Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung cao độ và huy động nguồn lực cho quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội...
Khơi thông các nguồn lực đất đai để phát triển
Trước những bất cập, vướng mắc và đòi hỏi từ thực tiễn phát triển, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 đặt ra rất cấp thiết. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và môi trường đã và đang khẩn trương thực hiện tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2013 để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2022 với nhiều vấn đề lớn.
Bộc lộ nhiều hạn chế bất cập
Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2021 chính là việc tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013; đồng thời hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021- 2025.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai. Đến nay, các địa phương đã tổ chức tổng kết và gửi báo cáo về Bộ.
Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế- xã hội. Thống kê riêng trong năm 2021, nguồn thu từ đất đến ngày 21/12/2021 đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, cao gấp 3,5 lần năm 2015.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong những năm gần đây đã làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến. Đặc biệt chính sách tài chính về đất đai chưa đủ mạnh để khắc phục tình trạng đầu cơ đất, chậm đưa dự án vào sử dụng đất và triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực lớn... |
Quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường và có hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách cho phát triển thị trường từng bước được hoàn thiện. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được trao quyền sử dụng đất được bảo đảm và phát huy…
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại khi nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; có lúc, có nơi chưa thực sự đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư khi thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách tài chính đất đai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; chưa theo hướng tiếp cận quy hoạch không gian, dựa vào hệ sinh thái, tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn xảy ra, gây lãng phí… Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững…
Những tồn tại hạn chế này cũng được nêu rõ trong báo cáo Kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện, có nguyên nhân là do các quy định của Luật Đất đai hiện hành còn chồng chéo, chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan khác hoặc không phù hợp với sự phát triển hiện nay…
Theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước trong những năm gần đây đã làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến. Đặc biệt chính sách tài chính về đất đai chưa đủ mạnh để khắc phục tình trạng đầu cơ đất, chậm đưa dự án vào sử dụng đất và triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực lớn.
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 với những tồn tại, hạn chế, bất cập này cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế. Tại các Hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai sửa đổi với các tỉnh, thành phố diễn ra cuối tháng 12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Khơi thông các nguồn lực đất đai để phát triển
Thời gian qua, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị nội dung dự thảo Luật Đất đai. Ngày 3/12/2021, Bộ đã gửi Dự thảo luật và tờ trình để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Định hướng sửa đổi luật dự kiến tập trung vào các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu về đất đai và trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính sách tài chính đất đai, giá đất là vấn đề cốt lõi của lần sửa đổi Luật Đất đai lần này. Đây là vấn đề khó, nhưng nếu giải quyết được một cách thỏa đáng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác có liên quan. Dự luật được chờ đợi sẽ giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.
Các chuyên gia kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giải quyết một cách căn cơ những bất cập của luật hiện hành; khắc phục được sự chồng chéo giữa các luật; đồng thời tạo ra đột phá trong cải cách thể chế, khơi thông các nguồn lực đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cũng hướng đến mục tiêu làm cho thị trường đất đai minh bạch, lành mạnh và sử dụng hiệu quả hơn...
Các chuyên gia kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giải quyết một cách căn cơ những bất cập của luật hiện hành; khắc phục được sự chồng chéo giữa các luật; đồng thời tạo ra đột phá trong cải cách thể chế, khơi thông các nguồn lực đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... |
Với lộ trình kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai đặt ra, năm 2022 sẽ là năm Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung cao độ và huy động mọi nguồn lực cho quá trình xây dựng. Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, một trong những trọng tâm ưu tiên trong năm 2022 là sẽ cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ. Đồng thời chuẩn bị xây dựng đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022. Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất,... hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 8/2021 trong buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ và các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Chủ tịch Quốc hội đặt ra một số yêu cầu cần quán triệt xuyên suốt quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quan điểm của Trung ương sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 19. Bên cạnh đó, cần bám sát quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực; Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra, vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế, có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo Nghị quyết 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 đã được Quốc hội khoá XV ban hành tại kỳ họp thứ nhất, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Trong năm 2022, cùng với xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất và phát triển thị trường bất động sản công khai, lành mạnh… |
Theo Nhĩ Anh
VnEconomy
0 Bình luận
Gửi bình luận