Chưa khi nào, nhà ở cho công nhân lại được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm như hiện nay, bởi đại dịch đã làm bộc lộ nhiều bất cập về nhà ở thuộc phân khúc này.
Ảnh minh họa
Trăn trở
Vợ mắc Covid-19 phải tự cách ly ở trên gác, anh Nguyễn Trung Hiếu (quê ở Quảng Ngãi) một mình chăm con trong căn phòng trọ chỉ hơn 15 m2, nằm trên một con hẻm nhỏ đường Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân (TP.HCM).
Loay hoay trong căn bếp nhỏ, anh Hiếu kể, hai vợ chồng anh thuê trọ ở đây đã được hơn 5 năm. Hồi mới cưới chỉ có hai vợ chồng, đồ đạc cũng ít nên phòng ốc không quá chật chội, nhưng khi bắt đầu có con thì chỗ ở trở nên bí bách. Muốn tìm chỗ thuê rộng hơn nhưng kinh tế không cho phép.
Đợt dịch vừa rồi, anh may mắn không thất nghiệp, nhưng thu nhập cũng bị ảnh hưởng nhiều. Mong ước có ngôi nhà riêng để an cư lạc nghiệp ngày càng xa vời, bởi nhà đất đang lên giá điên đảo, với mức lương 10 triệu đồng, chuyện mua nhà là điều không tưởng.
Tại khu lưu trú công nhân Thiên Phát nằm trong Khu chế xuất Linh Trung II (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) có gần 400 căn hộ, mỗi căn diện tích 35 m2, giá thuê 1,7 - 2,2 triệu đồng/tháng. Hơn 7 năm đi vào hoạt động, khu lưu trú này luôn kín chỗ, lúc nào cũng có hơn 30 công nhân đăng ký trong danh sách chờ phòng trống để thuê.
Chủ đầu tư khu lưu trú công nhân Thiên Phát cho biết, các phòng được Ban Quản lý đăng ký tạm trú dài hạn để người thuê sử dụng điện, nước đúng giá. Ngay tầng trệt, chủ đầu tư mở nhà trẻ, nhận giữ ngoài giờ để lao động thuận tiện tăng ca. Công nhân muốn thuê phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Nhu cầu thuê nhà ở lâu dài của công nhân rất lớn. Cách đây 10 năm, khi nghe tin Thiên Phát được cấp phép dự án nhà lưu trú cho công nhân, chủ tịch một tập đoàn của Nhật Bản đang đầu tư vào khu công nghệ cao, đã đề nghị được trả trước 15 năm tiền thuê để giữ chỗ cho người lao động của mình.
“Chúng tôi muốn mở rộng mô hình này, nhưng để thực hiện được không dễ”, chủ đầu tư Thiên Phát nói và dẫn chứng, đối diện khu lưu trú này là dự án 500 căn, thời hạn thuê đất 50 năm, bắt đầu từ năm 2008, nhưng đến nay chưa thể triển khai vì vướng thủ tục.
Cần sự chung tay
Hơn 20 năm qua, Công ty cổ phần Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) đã đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp. Trăn trở lớn nhất của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm Group là làm sao giúp người lao động an cư, nhất là sau đợt dịch vừa qua.
“Hàng chục ngàn người chưa có nhà ở đã buộc phải rời bỏ các tỉnh, thành phố lớn, quay về quê hương với khó khăn chồng chất. Trải qua đại dịch, bài toán nhà ở vừa túi tiền dành cho người có thu nhập thấp lại càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay và một tinh thần quyết liệt, quyết tâm cùng tìm ra lời giải”, ông Thắng nói.
Đó cũng là nguyên nhân khiến ông Thắng quyết định bắt tay với Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Gỗ Trường Thành để phát triển nhà ở vừa túi tiền dành cho công nhân, người lao động tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Trước mắt, 3 tập đoàn này sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn nhà. Dự kiến mức giá bán từ 20 đến 25 triệu đồng/m2, thậm chí có thể rẻ hơn nếu nhận được các ưu đãi về tiền sử dụng đất, lãi suất...
Việc các doanh nghiệp liên minh với nhau để xây dựng nhà ở vừa túi tiền được các thành viên trên thị trường đánh giá sẽ thổi thêm làn gió mới cho phân khúc vốn ít doanh nghiệp quan tâm tới. Tuy vậy, sự chung sức và quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp thôi là chưa đủ, nếu không có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ không bao giờ có nhà ở giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Cũng trăn trở với vấn đề an cư cho người thu nhập thấp nhiều năm nay, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành - doanh nghiệp đã cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 căn hộ cho người thu nhập thấp cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là thủ tục. Công ty Lê Thành được biết đến là doanh nghiệp tư nhân điển hình đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ bằng tiền túi trên quỹ đất do mình nhận chuyển nhượng, nhưng “điều chúng tôi nhận lại thật nhiều đắng cay”.
Ông Nghĩa cho rằng, hiện nay làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội không có một quy trình riêng, quy chuẩn riêng. Doanh nghiệp còn bị làm khó đủ đường, kiểm tra kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn so với nhà ở thương mại. Ví dụ, làm nhà ở thương mại thì thủ tục pháp lý 3 năm, thêm 2 năm xây dựng là 5 năm hoàn thành xong dự án. Trong khi đó, làm nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp 5 năm chưa xong thủ tục.
“Tại nhiều dự án của Lê Thành, quá trình chúng tôi làm nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cực kỳ khó khăn về vấn đề pháp lý. Dự án đã xây dựng xong, dân vào ở, hoàn thành hết rồi, nhưng chưa được cho vay ưu đãi đồng nào. Thậm chí, đến giờ này, Công ty vẫn chưa được ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất dù đã gửi công văn rất nhiều lần nhưng không có cơ quan nào giải quyết”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo Trọng Tín
Báo Đầu tư
0 Bình luận
Gửi bình luận