08:35 17/01/2022

Những động lực thúc đẩy thị trường bất động sản

Bất chấp những ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phát triển, giá bất động sản (BĐS) trong các phân khúc đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, mức độ tăng khác nhau giữa các loại hình và có những phân khúc tăng trưởng nóng. 

Quá trình hình thành các đô thị mới dẫn dắt quá trình tăng giá

Tốc độ phát triển bất động sản cũng như tốc độ đô thị hóa không chỉ giới hạn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà tại các vùng miền khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang,... cũng diễn ra mạnh mẽ. Việc phát triển các khu đô thị và việc các tỉnh lập các quy hoạch tổng thể rất bài bản và dài hạn bước đầu đem tới những kết quả tích cực. 

Mức dao động giá dao động mạnh tại hầu khắp các địa phương cho thấy quá trình đô thị hoá đang diễn ra cân bằng trên khắp cả nước. Hệ thống hạ tầng kết nối hứa hẹn là động lực lành mạnh thúc đẩy thị trường.

Đô thị hóa dẫn dắt quá trình tăng giá bất động sản tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước - Ảnh: Phòng Phân tích VARS

Nguồn cung thiếu hụt

Thị trường BĐS đang phải đối mặt với thách thức kép: khan hiếm nguồn cung do các cơ quan chức năng hạn chế cấp phép dự án mới và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Lượng cung và giao dịch toàn thị trường bao gồm cả hàng tồn của năm 2021 cho thấy, lượng cung và lượng hấp thụ ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh mặc dù nguồn cung hạn chế, giữa kỳ vọng của chủ đầu tư và khả năng chi trả của những người có nhu cầu thật về nhà ở vẫn còn có một khoảng cách. So với năm 2019 và năm 2020 đạt xấp xỉ và trên 100.000 sản phẩm cung, lượng cung trên toàn thị trường năm 2021 giảm đáng kể, chỉ khoảng hơn 53.000 sản phẩm nhà ở với lượng hấp thụ khoảng 51%. 

Khan hiếm nguồn cung kéo dài trong nhiều năm khiến lượng hàng hóa thiếu hụt, trong khi nguồn cầu không ngừng tăng lên đã đẩy giá BĐS tăng lên. Tổng nhu cầu về nhà lên tới hàng trăm triệu mét vuông nhà ở khi tâm lý người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở. 

Lượng cung - cầu căn hộ tại các phân khúc từ bình dân đến cao cấp, đất nền

 

Ảnh: Phòng Phân tích VARS

Các dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn 

Bất chấp những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, mức độ quan tâm tới BĐS đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Tổng cầu cao nhưng cầu thực giảm (dẫn đến số lượng giao dịch giảm) mà chủ yếu là cầu đầu tư, đầu cơ thị trường. Trên thực tế, nguồn tiền vào thị trường tăng mạnh thời gian qua. Một lượng lớn tiền từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác đổ mạnh vào thị trường BĐS tìm cơ hội sinh lời. Điều này cho thấy BĐS vẫn là một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn có sức hút với dòng tiền. 

Kỳ vọng vào gói kích cầu

Thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô, gói kích thích hỗ trợ phát triển kinh tế trong năm 2022 sẽ tạo động lực cho phát triển bất động sản. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 với tổng quy mô 350.000 tỷ được kỳ vọng sẽ đem tới nhiều tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng.

Bên cạnh đó là sự đồng hành và hỗ trợ từ Chính phủ, Quốc hội, Bộ Xây dựng và các Bộ, ban, ngành trong việc cải thiện chính sách và thể chế để tháo gỡ vướng mắc các vấn đề pháp lý BĐS (sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở,... ban hành Nghị định sửa đổi về KCN,...) Năm 2022 sẽ là năm tiếp tục củng cố về thế chế. Tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường.

Phòng Phân tích - Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)
 

0 Bình luận

Gửi bình luận

Bài viết liên quan