Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, nếu triển khai gói hỗ trợ tiền tệ cấp bù lãi suất 2%, quy mô dư nợ hỗ trợ dự kiến sẽ khoảng 1 triệu tỷ đồng...
Cụ thể, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2022 sẽ có nhiều vấn đề lớn, quan trọng, khó lường mà Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm để xây dựng định hướng điều hành chính sách tiền tệ ngoại hối.
Ông khẳng định trong năm nay, NHNN sẽ không công bố là nới lỏng hay siết chặt tiền tệ mà "trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước".
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại TP.HCM. Ảnh: L.M
Theo đó, định hướng điều hành của NHNN năm 2022 cụ thể gồm:
Thứ nhất, Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ hai, Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ ba, Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.
Thứ tư, Triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được phê duyệt;
Thứ năm, Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh TTKDTM trong hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tập trung triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phối hợp các bộ, ngành triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)...
Liên quan đến gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thống đốc NHNN cho biết như nội dung của Nghị quyết, sẽ có gói hỗ trợ tiền tệ cấp bù lãi suất 2%, triển khai trong 2 năm 2022 và 2023.
Theo đó, NHNN tạm ước dự kiến quy mô dư nợ sẽ là một triệu tỷ đồng, chia cho 2 năm tức mỗi năm khoảng 500.000 tỷ đồng, đối tượng được hỗ trợ sẽ theo đúng quy định của Nghị quyết là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; và các đối tượng vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua. Như vậy, theo Phó Thống đốc lưu ý, sẽ không có chuyện hỗ trợ "đại trà" cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mà không đủ điều kiện.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo của cơ quan quản lý, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cũng theo đó, tăng trưởng tín dụng năm tới sẽ có sự "linh hoạt" và không đặt ra một kịch bản duy nhất, dù mức dự kiến có thể đạt 14% như năm 2021, nhưng thậm chí có thể hơn, lên tới 15% hoặc có thể thấp hơn chỉ khoảng 12%.
Năm 2021, tính đến 31/12, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước đạt 13,53% so với năm 2020. Đây là mức mà cơ quan quản lý NHNN cho biết: "Ở thời điểm đầu năm, không dự kiến có thể đạt tăng trưởng đến như vậy. Nhưng quá trình tăng trưởng tín dụng sụt giảm mạnh do giãn cách xã hội kéo dài, đến ngay khi mở cửa trở lại đã bật lên phục hồi, nhu cầu tín dụng của người dân và nền kinh tế tăng cao nên NHNN đã chủ động nới hạn mức tín dụng cho các NHTM, để đạt đến kết quả tích cực như vậy".
Về kết quả triển khai quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 của ngành ngân hàng, theo báo cáo nhanh từ các TCTD, đến 27/12/2021, các TCTD đã: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 780.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 301.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 616.000 tỷ đồng.
Kết quả giảm, hạ lãi suất cho vay, cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với đến 27/12/2021, các TCTD đã: Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,32 triệu khách hàng.
Lũy kế từ 23/01/2020 đến 20/12/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng gần 37.500 tỷ đồng. Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 cho khách hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.
Theo Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp
0 Bình luận
Gửi bình luận