Giá đất tiếp tục tăng cao ở nhiều địa phương, chuyên gia cảnh báo sớm ngăn chặn "cò đất", "đầu nậu" gây "sốt đất" tránh các hệ quả tiêu cực xảy ra.
Loạn "thổi giá"
Ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản, đặc biệt là đất nền, ở nhiều địa phương đã diễn ra khá sôi động. Cá biệt, có nơi đã xuất hiện tình trạng "thổi giá" gây "sốt ảo", nhiễu loạn thị trường.
Ghi nhận của Dân trí, thời gian qua, giới đầu cơ đất ở khu vực huyện Củ Chi (TPHCM) đã đồng loạt cập nhật bảng giá mới. Tùy vào khu vực, vị trí, diện tích, hệ thống hạ tầng, các "đầu nậu" đưa ra những mức tăng khác nhau. Trong đó, khu vực xã Nhuận Đức và Bình Mỹ có tăng giá từng ngày. So với trước khi có thông tin đề xuất đưa Củ Chi từ huyện lên thành phố, giá đất tăng 10 - 25%.
Tương tự, tại Hà Nội, thông tin triển khai tuyến đường Vành đai 4 đã khiến đất đai các huyện vùng ven trung tâm nóng lên. Giá đất nhiều nơi của huyện Hoài Đức rao bán tăng 10 - 20 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm 2021.
Giá đất nhiều nơi ở huyện Hoài Đức tăng "chóng mặt" theo thông tin Vành đai 4 (Ảnh: Hà Phong).
Hay tại Đắk Lắk, sau thông tin về dự án Bệnh viện đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tình hình giao dịch nhà đất tại TP Buôn Ma Thuột tăng đột biến khiến giá đất bị đẩy lên cao.
Đáng chú ý, tại Quảng Trị, cơn sốt tại TP Đông Hà vừa lắng xuống thì đợt sốt mới lại xuất hiện ở thị trấn vùng biên Lao Bảo, giá khu tái định cư Tân Thành - Lao Bảo bất ngờ tăng gấp đôi.
Trong văn bản yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường quản lý thị trường bất động sản, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ rõ, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định về kinh doanh bất động sản.
Ở những khu vực dự kiến thực hiện các dự án như khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng nông thôn đã xuất hiện hoạt động đầu cơ bất động sản gây "sốt ảo", có hiện tượng "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Cùng với đó, thị trường có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo rao bán khi chưa đầy đủ quy trình… gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và khó khăn cho việc quản lý Nhà nước.
Lo ngại "sốt đất" trở lại
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), ngay trong 2 tháng đầu năm nay, "sốt ảo giá đất" đi đôi với hoạt động đầu cơ đã có dấu hiệu quay trở lại.
"Các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các "đầu nậu", "cò đất", "cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản", ông Châu cảnh báo.
Chuyên gia lo ngại "sốt đất" đã có dấu hiệu quay trở lại (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Đánh giá về thị trường bất động sản năm nay, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản năm nay có xu thế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại tại tất cả các phân khúc, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.
"Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu. Thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng", ông Châu nói thêm.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản năm nay sẽ chịu những tác động trực tiếp từ các bất ổn định chính trị và tranh chấp thương mại quốc tế, do nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, bất động sản cũng phải chịu rủi ro từ vấn đề lạm phát và chỉ số CPI tăng cao. HoREA phân tích, các tác động khó lường từ bên ngoài và gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội giá trị hơn 350.000 tỷ đồng cũng gây ra rủi ro tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát, tăng chỉ số CPI cao hơn mức mục tiêu trong năm nay.
Tuy nhiên, việc phần lớn gói kích thích kinh tế dùng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có khoảng 15.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động đã hạn chế "rủi ro" nguy cơ lạm phát.
Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều này sẽ tác động rất lớn, trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của thị trường bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố tác động lớn tới thị trường nữa chính là việc triển khai các dự án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc nối TPHCM đến Cà Mau và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và các tuyến đường vành đai Thủ đô Hà Nội, TPHCM sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế, phát triển đô thị, các khu dân cư mới và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản hơn nữa kể từ năm 2022.
Theo Hà Phong
Dân trí
0 Bình luận
Gửi bình luận