Theo các chuyên gia, để thu hút các doanh nghiệp tham gia làm nhà vừa túi tiền, kéo giá nhà về gần khả năng chi trả của người dân cần tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, chính sách ưu đãi.
Nhiều tác động đẩy giá nhà tăng cao
Câu chuyện cung cầu lệch pha trên thị trường bất động sản ngày càng gay gắt. Nhất là khi nhu cầu tìm kiếm các căn hộ giá rẻ, nhà ở vừa tiền trong dân rất cao còn nguồn cung lại vô cùng khan hiếm trong những năm trở lại đây, làm cho giấc mơ “an cư lập nghiệp” của nhiều người vẫn chỉ là giấc mơ mà chưa được hiện thực hóa.
Chia sẻ tại Tọa đàm: "Đừng để giá nhà đất xa tầm tay người lao động", ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết nguyên nhân khiến mấy năm nay doanh nghiệp vẫn chưa thể ra dự án mới dù đã có sẵn đất đai chủ yếu là do thủ tục xin cấp phép xây dựng dự án bị kéo dài khiến cho các dự án không được phê duyệt.
“Vài năm gần đây, các dự án rất ít so với nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng, dịp cuối năm ai cũng sửa nhà đón Tết mà nhân công ngành xây dựng đang thiếu... là các yếu tố đẩy giá nhà càng tăng, nếu như không kéo các yếu tố này xuống sẽ làm giá nhà tăng cao mãi”, ông Nghĩa cho hay.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá nhà tăng cao. (Ảnh minh họa)
Còn ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, bên cạnh các yếu tố đã nêu trên thì dịch bệnh khiến cho tình hình kinh doanh các lĩnh vực khác không được đẩy mạnh dẫn đến nguồn tiền nhàn rỗi của dân tăng lên, người dân có xu hướng đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán nhiều hơn khiến giá nhà tăng cao.
Nói riêng về thị trường TP.HCM, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đang có sự lệch pha về cung cầu lẫn các phân khúc nhà ở. Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phát triển 15.000 căn nhà ở xã hội, chỉ đạt 75% kế hoạch. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao, giá nhà lại vượt mức thu nhập của nhiều gia đình. Thậm chí trong năm vừa qua, hầu như không có dự án nhà ở vừa túi tiền nào ra mắt, người dân rất khó để tìm được căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m2.
"Nhiều dự án dự kiến bán với giá "mềm" dưới 35 triệu đồng/m², song do mất cân đối cung cầu nên sau đó lại đẩy giá lên quá cao", ông Châu cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện nay các gói hỗ trợ chỉ hạn hẹp ở một số đối tượng, cần tăng cường các chính sách để nhiều người được tiếp cận các ưu đãi. Bên cạnh đó, việc thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền là một trong những "mấu chốt" giải bài toán thiếu nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Doanh nghiệp cần trợ lực
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, để sở hữu một căn hộ "giá rẻ" khoảng 1,5 tỷ đồng, người dân phải có ít nhất 500 triệu đồng, còn lại đi vay, nhưng nếu lãi suất cao cũng sẽ khó kham nổi dù vay 25 - 30 năm, dẫn đến dù giá rẻ vẫn rất xa vời với nhiều người dân.
Ông Nghĩa cho biết: "Doanh nghiệp sẽ sẵn sàng xây dựng mỗi năm 1.000 căn nhà ở xã hội, đất đai do doanh nghiệp tự đi mua, bán ra với giá 25 triệu đồng/m2 chỉ cần Nhà nước trợ lực về thủ tục chính sách".
Động lực để các doanh nghiệp hào hứng tham gia đầu tư nếu chúng ta cải thiện được thủ tục, hỗ trợ lãi suất, hệ số sử dụng đất, tiêu chuẩn thiết kế dành riêng cho nhà ở xã hội thì các dự án nhà ở giá rẻ sẽ được đẩy nhanh chóng, kéo nhà ở gần với nhân dân hơn.
Theo các chuyên gia, cần phải có sự trợ lực từ chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)
Cũng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Phi Hải, Giám đốc Khải Hùng Group thành viên BIN Corporation Group cho rằng, giá bất động sản, nhân công, vật liệu xây dựng… đều tăng khiến cho doanh nghiệp khó xây dựng nhà ở giá rẻ với mức vài trăm triệu đồng một căn. Ngoài ra, dịch bệnh căng thẳng khiến cho giá bất động sản tăng lên dẫn đến các doanh nghiệp khó xây dựng những căn hộ giá rẻ cho người dân.
"Các doanh nghiệp rất cần Nhà nước, ngân hàng Chính sách xã hội trợ lực để tham gia xây những căn nhà giá rẻ, phù hợp với người dân có thu nhập thấp. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ về thủ tục pháp lý, quỹ đất, chính sách xã hội, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi... mới có thể giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người thu nhập thấp có nhà để an cư", ông Hải kiến nghị.
Cũng theo ông Hải, doanh nghiệp này cũng muốn góp công sức để làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ phục vụ người dân, sẵn sàng chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải thay vì thu lợi nhuận cao như các dự án nhà ở thương mại khác. Tuy nhiên, để làm nhà ở xã hội, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi chính sách chưa rõ ràng, bởi làm nhà ở xã hội cũng phải tuân thủ các trình tự thủ tục như nhà ở thương mại rất nhiêu khê.
Do đó, để thu hút doanh nghiệp lấn sân vào lĩnh vực này, rất cần sự hỗ trợ từ chính sách, từ ngân hàng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động khó khăn.
Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, theo ông Lê Hoàng Châu, các dự án nhà ở vừa túi tiền, cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, giảm các chi phí cho nhà đầu tư. Trong đó, cần giảm 25% hoặc 50% tiền sử dụng đất đối với nhà ở thương mại vừa túi tiền, giảm 25% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi lãi suất vay ở mức 7 - 7,5%...
"Nếu kết hợp tổng thể các chính sách hỗ trợ, chúng ta sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư. Khi Nhà nước có cơ chế, chính sách, những doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm xã hội sẽ tham gia, kéo giấc mơ nhà ở gần tầm tay người lao động", ông Châu nhận định./.
Theo Hoàng Trang
Reatimes.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận