11:38 25/04/2024

KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Giải pháp "Thông suốt - Thông thoáng - Thông minh"

Thị trường bất động sản trong quý vừa qua đã có sự khởi sắc rõ nét hơn, niềm tin của các chủ thể đang được vực dậy, song vẫn cần cách tiếp cận khác để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Đình Đại

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 25/4.

Theo ông Thiên, quý 1/2024, GDP nước ta đã tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2023. Tuy nhiên, thực tế bối cảnh chung của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, với thị trường bất động sản, trong năm vừa qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, định hướng thị trường phát triển bền vững, giải quyết bài toán nhà ở cho người dân.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn tồn tại có cho thấy có thể những chính sách, giải pháp được ban hành chưa đủ thời gian để "ngấm" thị trường, hoặc cũng có thể các tiếp cận chưa đi đúng trọng điểm.

Ông Thiên cho biết: "Cần đặt câu hỏi về việc vì sao GDP tăng trưởng nhưng vẫn còn khó khăn và tại sao lại khó khăn; Sự quyết liệt của Chính phủ đã đúng hướng như thế nào và còn những gì còn vướng mắc để tiếp tục tìm giải pháp".

Vị chuyên gia lấy ví dụ về việc thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần phải thay đổi cách tiếp cận trong phát triển phân khúc này bởi dù đã có những chính sách ưu đãi như người có thu nhập thấp vẫn khó mua nhà, doanh nghiệp vẫn không mặn mà tham gia đầu tư.

"Đừng ngại nhìn thẳng vào sự thật" - ông Thiên nhấn mạnh và cho hay trong nhận định về bất động sản nên đừng bàn về từng mảnh cụ thể của thị trường ngay lập tức bởi như thế sẽ làm lệch lạc nhận thức chung về thị trường và có những diễn biến mang tính nhất thời. Không thể để các tin tốt đến và thị trường “mất bình tĩnh”.

 Toàn cảnh Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư". Ảnh: Đình Đại

Ông Thiên nói, nên đặt bất động sản trong nền kinh tế nói chung. Thực tế là trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường luôn nhiều hơn doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, khoảng cách là rất lớn.

Hiện có 2 nhóm ý kiến trên thị trường: Tình hình chung tốt lên, ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng có một nhận định khác là chưa bao giờ thị trường khó như bây giờ, chưa bao giờ các doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới. “Tại sao doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới?” - ông Thiên cho rằng nên đặt câu hỏi về vấn đề này và tìm giải pháp.

Trong bối cảnh chung, khu vực khối doanh nghiệp nội vẫn đang rất khó khăn, dẫn báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Thiên cho biết khối ngoại vẫn tăng trưởng tốt nhưng khối nội gặp nhiều khó khăn. Lạm phát thấp, lãi suất cao khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó, trong khi khối ngoại không chịu lãi suất đó nên không bị ảnh hưởng. Sức cầu nội địa đang yếu, thu nhập người lao động giảm đi, nhìn dài hạn nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề. "Làm cách nào để kích cầu khu vực nội địa, làm thế nào có chính sách nhiều hơn cho khu vực nội địa, kiểm điểm chính sách theo cách đặt vấn đề như vậy" - ông Thiên nói.

Cụ thể hơn cho bất động sản, sau nhiều năm bùng nổ phân khúc cao cấp, nhà ở bình dân dần biến mất khỏi thị trường, việc làm, thu nhập suy giảm là bi kịch của thị trường.

Bàn về giải pháp, theo ông Thiên, thứ nhất, đặt vấn đề về lạm phát phải thay đổi, tăng trưởng cao lạm phát thấp là có vấn đề. Theo thông thường về kinh tế, tăng trưởng cao thì lạm phát phải cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nội địa thiếu vốn, quan điểm chung về kinh tế vĩ mô, lạm phát cần phải được nhìn nhận lại.

“Có lẽ chủ trương hạ lãi suất vẫn hơi ít, hơi muộn và đã có những doanh nghiệp không thể chờ được nguồn vốn đó mà rời khỏi thị trường”. Ông Thiên cho biết cần 3 kim chỉ nam cho các giải pháp này là: “Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) - Thông thoáng (cơ chế chính sách) - Thông minh (bộ máy thực thi)”.

Thứ hai, trong kỳ vừa qua, ngoài hạ lãi suất, ra sức giải ngân đầu tư công, chính sách về thị trường trái phiếu đã phần nào được tháo gỡ, song thực tế thì tiện nay thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại, do đó cần nỗ lực cấu trúc lại.

Thứ ba, cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Cần cách tiếp cận khác cho nhà ở xã hội. Xác định rõ vai trò của nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người dân.

Ông Thiên nhấn mạnh, kinh tế thế giới, cuộc chiến về địa chính trị còn nhiều bất ổn, với nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều ảnh hưởng, cần thẳng thắn nhìn nhận về khó khăn của chính mình.

"Nền kinh tế đang bị bất ổn về niềm tin, những xử lý về mặt hành chính có khả năng làm tổn thương đến nền kinh tế thị trường nhưng hiện nay chưa có những báo cáo đánh giá về tác động này. Nền kinh tế đang chịu lời nguyền khi đối xử với nền kinh tế thị trường vẫn còn bị trói buộc, đây là 1 trong những nỗ lực chính sách mà nhà nước phải hành động thiết thực hơn. Và ngành bất động sản không là ngoại lệ" - ông Thiên cho biết.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận