Tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục triển khai các dự án bị đình trệ.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong giai đoạn sắp tới Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả".
Tại tỉnh Long An, một số dự án bị đình trệ từ việc rà soát các dự án bất động sản theo Nghị định 30/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu Thầu về lựa chọn nhà đầu tư tại Long An và ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Minh Trí – Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Phúc Vinh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: "Chúng tôi cố gắng làm từ 2019 đến giờ cơ bản là hoàn thiện, giờ giãn cách ổn định rồi, chúng tôi tập trung cao điểm để sang năm 2022 bàn giao từng bước cho bà con".
Trong suốt gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh thành phía Nam, hoạt động kinh doanh, sản xuất, đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Đến nay khi tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm phục hồi kinh tế.
Ông Thi Văn Út – Chủ tịch UBND xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: "Hiện nay các đơn vị chủ đầu tư đang thực hiện các bước được UBND tỉnh cho phép. Về mặt pháp lý, trong phạm vi của xã sẽ tạo điều kiện để dự án sớm đi vào hoạt động thuận lợi nhất, ngay trong năm 2022 thì dự án sẽ hoàn thành các thủ tục mà tỉnh cho phép".
Bên cạnh việc ảnh hưởng từ dịch bệnh việc điều chỉnh trong chính sách đầu tư xây dựng khu dân cư cũng khiến nhiều dự án trong bất động sản bị kéo dài, chậm tiến độ. Theo Hiệp hội Bất động sản tỉnh Long An, sau giai đoạn dịch căng thẳng vừa qua khoảng 70% sàn bất động sản ngừng hoạt động, gần 30% sàn giao dịch còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Tổng Công ty PV Invest Group: "UBND tỉnh Long An và các sở ban ngành đã tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện dự án các khu dân cư. Sau khi hết giãn cách thì chúng tôi khôi phục sản xuất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý dở dang, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng hạ tầng theo quy hoạch. Chúng tôi làm cuốn chiếu, đến đâu thi hoàn tất đến đó để bàn giao cho khách hàng".
"Chúng tôi chia sẻ khó khăn với khách hàng, giống như khó khăn của công ty. Chúng tôi đã mời một số khách hàng muốn thoái vốn bằng cách giới thiệu sang sàn khác để thoái vốn theo tiến trình nhận kinh phí. Nếu bất đồng ý kiến thì mời họ tới để có tiếng nói chung, đa số khách hàng đã đồng tình chia sẻ khó khăn với công ty" - ông Thông cho biết thêm.
Việc đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thiện thủ tục pháp lý và tạo ra những ưu đãi, hỗ trợ khách hàng trong thời điểm sau dịch để nhanh chóng tái lập những kênh đầu tư sinh lời hiệu quả, là động thái mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện để tăng trưởng và phục hồi kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Duyên - Nhà đầu tư tại Dự án Khu dân cư Đức Hạnh – Long An cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng, bản thân cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên công ty cũng đã có động thái giải quyết thỏa đáng cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, để các doanh nghiệp phục hồi sau dịch, ngoài sự cố gắng của đơn vị thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng như ngân hàng, cần tạo cơ chế ưu đãi về giải quyết thủ tục, hồ sơ pháp lý và nguồn vốn để đảm bảo cho các hoạt động đầu tư.
Theo Nhóm PV
VTV.vn
0 Bình luận
Gửi bình luận