Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức, bất động sản Hà Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với việc đón nhận thông tin phê duyệt nhiều dự án quy mô lớn, tạo lực đẩy đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.
Tiềm năng đón đầu làn sóng chuyển dịch
Nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, phía Bắc giáp với thủ đô Hà Nội, vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông, Hà Nam được ví như cửa ngõ thủ đô khi trở thành nơi đón đầu làn sóng chuyển dịch, thu hút các nhà đầu tư lớn.
Theo thống kê, nửa đầu năm 2024, GRDP tỉnh Hà Nam ước đạt 26.891 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đứng thứ nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc.
Bên cạnh đó, Hà Nam cũng đang trở thành một trong những điểm nóng phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, là một trong 10 tỉnh thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn lao động cao nhất cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Hà Nam nửa đầu năm 2024 đạt 10,35%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây. (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam)
Về lợi thế phát triển bất động sản, dữ liệu trong Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 và 06 tháng đầu năm 2024 mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, Hà Nam là địa phương có diễn biến thị trường bất động sản khá sôi động khi đón nhận thông tin phê duyệt nhiều dự án quy mô lớn, tạo lực đẩy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.
Tương tự, theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, sức nóng của thị trường bất động sản khu vực này đang ngày càng lan rộng, đặc biệt trong quý 2/2024, số lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng đạt 4.314 giao dịch, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch cũng vì vậy mà tăng gấp đôi lên tới 2.562 tỷ đồng.
Về giá bất động sản phân chia theo khu vực so với Hà Nội và các vùng phụ cận, Hà Nam hiện đang là thị trường có mặt bằng giá khá thấp với giá đất nền dao động từ 15-20 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm TP. Phủ Lý chỉ khoảng 40 triệu đồng/m2.
Trong quý 2, Hà Nam đã chấp thuận đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại và lựa chọn đầu tư cho 2 dự án khác. Tiếp đó, nhà ở xã hội cũng được tỉnh chú trọng đẩy mạnh khi chấp thuận đầu tư 1 dự án khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại huyện Kim Bảng. Tổng cộng, địa phương hiện có 6 dự án nhà ở xã hội, trong đó 2 dự án phục vụ công nhân khu công nghiệp với tổng cộng 1.630 căn hộ và 4 dự án phục vụ thu nhập thấp tại đô thị với tổng cộng hơn 2.000 căn hộ.
Bất động sản tăng nhiệt nhờ chính sách phát triển hạ tầng
Với vai trò lưu thông và kết nối, hạ tầng được coi là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giá trị của bất động sản. Hơn hết, hạ tầng giao thông càng phát triển thì càng thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Từng chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS đánh giá cơ sở hạ tầng là “bảo chứng phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh” cho thị trường bất động sản. Ngay cả khi toàn thị trường lâm vào trạng thái khó khăn kéo dài thì các địa phương, khu vực chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng vẫn được ghi nhận là những điểm sáng.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, phát triển giao thông tạo nền tảng, thúc đẩy các hạ tầng khác phát triển, mở ra cơ hội cho cho các ngành dịch vụ, thương mại, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Giao thông thuận tiện, hệ thống tiện ích đồng bộ, hiện đại sẽ thu hút dân cư đến sinh sống và làm việc, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Kéo theo nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, ăn uống... đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp. Thứ hai, những dự án được tích hợp toàn bộ tiện ích như công viên, trường học, trung tâm thương mại... đáp ứng mọi nhu cầu ngay tại nơi sinh sống được người dân ưu tiên lựa chọn, kéo theo làn sóng tăng giá tại dự án và khu vực lân cận.
Bất động sản Hà Nam phát triển nhờ “cú huých” hạ tầng giao thông
Đáng chú ý, sở hữu tiềm năng lớn khi nằm giáp ranh với thủ đô, hạ tầng giao thông tại Hà Nam đang phát triển mạnh mẽ với các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 1A, quốc lộ 21 cùng các cùng các tuyến đường sắt Bắc - Nam qua ga Phủ Lý. Các tuyến sông Đáy và sông Châu Giang hỗ trợ vận chuyển hàng hóa bằng đường thuỷ.
Đặc biệt, theo Quyết định phê duyệt tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, địa phương cũng đẩy mạnh phát triển các chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của vùng Thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối. Nổi bật trong đó là nút giao Phú Thứ - nút giao kết nối cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với đường Vành đai 5 và đường địa phương, giúp kết nối vùng được thuận tiện, không mất nhiều thời gian hơn. Nhờ đó thúc đẩy giá trị bất động sản nơi đây gia tăng nhanh chóng.
Chương trình diễn ra ngày 28/7 tới đây và quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành
Nhằm đưa ra các nhận định, đánh giá dưới góc nhìn đa chiều về thực trạng và tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Hà Nam. Bên cạnh đó, đi sâu vào phân tích từng yếu tố cấu thành nên thị trường, từ lực cầu, nguồn cung, giá bán… Được sự chỉ đạo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Hà Nam phối hợp cùng VARs Connect tổ chức Hội thảo “Thị trường bất động sản Hà Nam - Sẵn sàng cho một chu kỳ mới” và Lễ ra mắt Ban điều hành VARS Hà Nam.
Hội thảo có sự hiện diện của Lãnh đạo các Sở ban ngành liên quan, Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia bất động sản, kinh tế, tài chính cùng hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, các nhà Môi giới bất động sản. Đặc biệt là sự tham dự, đưa tin từ nhiều cơ quan thông tấn Báo chí, đài truyền hình trung ương và địa phương.
- Thời gian: 13h00 - 19h00, Chủ nhật ngày 28/7/2024
- Địa điểm: Tân Thủy Palace, số 47 Trần Văn Chuông, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
0 Bình luận
Gửi bình luận