Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 3/2022, nhiều bước trong quy trình thực hiện dự án ODA sẽ được đơn giản hóa, phân cấp, phân quyền mạnh hơn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật.
Những sửa đổi này được kỳ vọng giúp các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện, giải ngân nhanh hơn trong thời gian tới.
Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có chiều dài 5,36km, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Theo đó, từ ngày 1/3/2022, những quy định trong quy trình thực hiện dự án ODA sẽ được thay đổi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là Luật sửa đổi 9 luật) có hiệu lực thi hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những quy định về quản lý dự án ODA đã được sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tinh giản quy trình, thủ tục dự án ODA.
Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Đối với dự án nhóm A là những dự án có quy mô lớn, nguồn vốn, nguồn lực lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế đất nước, trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm ở các tỉnh, địa phương có quy mô kinh tế nhỏ còn chưa theo kịp. Do vậy, trước mắt, Chính phủ mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với các dự án thuộc nhóm B, C và từng bước mở rộng phân cấp dần đối với các dự án thuộc nhóm A nếu qua thực tiễn vận hành, triển khai bảo đảm an toàn và có những dấu hiệu tích cực.
Đồng thời, Chính phủ quy định của Luật Đấu thầu đối với dự án ODA cũng được sửa đổi, cho phép triển khai một số hoạt động thực hiện trước. Cụ thể, việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Theo đánh giá của nhiều nhà tài trợ, việc cho phép triển khai hoạt động thực hiện trước sẽ rút ngắn thời gian giải ngân khoản vay đầu tiên của dự án ODA được ít nhất là 1 năm tính từ khi phê duyệt khoản vay.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những điểm mới của Luật sửa đổi 9 luật liên quan đến dự án ODA sẽ giúp tiến độ thực hiện các dự án ODA nhanh hơn rất nhiều. Bởi, thực tế mỗi điều chỉnh hiện nay dù không làm thay đổi tổng mức đầu tư nhưng vẫn phải trải qua các thủ tục, trình tự thẩm định, phê duyệt thêm từ 3 - 6 tháng so với các dự án vốn trong nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương. Không chỉ giảm được rất nhiều thời gian, việc phân cấp này cũng giúp tăng tính chủ động, tăng trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản đối với các dự án.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai thực hiện nguồn vốn ODA tại nhiều địa phương đạt rất thấp. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc triển khai thủ tục về đầu tư, đấu thầu các dự án ODA thường kéo dài.
Với quy định tại Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ phải trình Thủ tướng 2 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản điều chỉnh quyết định đầu tư…
Theo Thúy Hiền (TTXVN)
0 Bình luận
Gửi bình luận