Trái ngược với ý kiến cho rằng giá nhà sẽ giảm sau khi đánh thuế, một số chuyên gia lo ngại nếu áp thuế thì giá nhà sẽ ngày càng tăng. Người mua nhà, thuê nhà sẽ là người chịu ảnh hưởng ngay tức thì.
Giá bất động sản vẫn sẽ tăng ngay cả khi đánh thuế?
Một số ý kiến cho rằng đã đến lúc đánh thuế nhà ở, bất động sản song cũng có nhiều quan điểm lưu ý thận trọng đối với vấn đề này, bởi không sẽ lợi bất cập hại, tác động tiêu cực tới thị trường.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, Bộ Tài chính mới chỉ đang nghiên cứu về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà, tài sản.
"Từ nghiên cứu đến lúc đưa ra đề xuất chính thức là cả một khoảng cách. Khi đánh thuế nhà ở, thuế tài sản thì còn phải cải cách toàn bộ hệ thống thuế bởi liên quan đến rất nhiều sắc thuế khác", ông Thịnh lưu ý. Cũng theo vị chuyên gia, khi áp thuế này cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hợp lý.
Bên cạnh đó, thuế là công cụ giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nên cần xây dựng lộ trình tiếp cận từng bước, không nên tạo cú "sốc" đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển.
Cho rằng thị trường vẫn còn rất khó khăn vì đang trong đoạn phục hồi hậu Covid-19, ông Thịnh thẳng thắn nêu quan điểm: Nghiên cứu để tiến tới một hệ thống thuế bắt kịp với thực tế là cần thiết, nhưng nếu đưa ra đề xuất chính thức thời điểm này thì lại chưa hợp lý. Bởi đánh thuế tài sản, nhà ở lúc này dễ dẫn đến "xáo trộn".
"Các cá nhân và hộ gia đình đa số đều vừa trải qua thời kỳ khó khăn, thu nhập giảm sút, nhà nào cũng lo lắng chi phí tăng thêm từ do giá cả mọi thứ leo thang, cộng thêm các chi phí từ xét nghiệm, thuốc men, cồn, găng tay… do đại dịch. Bây giờ lại lo thuế tài sản thế này thế khác sẽ khó nhận được đồng thuận", ông Thịnh nói.
Chuyên gia cho rằng cần đánh đúng vào quan hệ cung cầu thực tế để hạ nhiệt giá nhà (Ảnh: Hữu Khoa).
Ngoài ra, một số quan điểm cho thấy thuế nhà ở không những khiến thị trường hoang mang mà còn khiến giá nhà càng tăng cao, khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân càng trở nên xa vời.
Từ chối bình luận về việc đánh thuế nhà có hợp lý hay không bởi chưa có nội dung cụ thể để thảo luận, chuyên gia bất động sản Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com chỉ lưu ý vấn đề này cần được tham khảo cách làm quốc tế. Bởi thực tế việc đánh thuế nhà đất, thuế tài sản không mới mẻ gì trên thế giới.
Theo vị chuyên gia, ông cũng đã có nghiên cứu, tham khảo việc đánh thuế nhà tại một số quốc gia trên thế giới. Đơn cử, Singapore cũng đã đánh thuế nhà. Tuy nhiên, hiện nay giá bất động sản nước này vẫn tăng rất mạnh.
"Nhìn chung về ngắn hạn, việc áp thuế có thể khiến thị trường hạ nhiệt vì đánh vào tâm lý người mua bất động sản. Họ sẽ mất thời gian đầu để nghe ngóng thị trường. Nhưng về trung và dài hạn thì giá bất động sản sẽ vẫn tăng bình thường. Đó là thực tế chúng ta nhìn thấy ở một số thị trường như Singapore hay Malaysia", ông Quốc Anh nói.
Xem xét thận trọng những gì gây tranh cãi
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, việc nghiên cứu cải cách thuế nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt với những quốc gia có điểm tương đồng. Việc đưa ra một sắc thuế cần thấu đáo, làm rõ các tác động, nếu không hợp lý sẽ nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Trong khi đó, ông Đinh Trọng Thịnh còn lo ngại thuế làm tăng thêm gánh nặng cho cả người dân, doanh nghiệp. Đánh thuế nhà thời điểm này không chỉ cản đường hồi phục của lĩnh vực bất động sản và của nền kinh tế hậu Covid-19 mà còn khiến giá nhà tăng, theo quan điểm của ông Thịnh.
"Tôi cho rằng giá bất động sản vẫn sẽ tăng thôi, làm sao giảm được. Nếu mình áp thuế tài sản vào thì thuế đi đâu, nó sẽ vào giá nhà chứ đi đâu? Người mua nhà, thuê nhà phải chịu, chứ ai chịu", ông Thịnh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho biết, bất động sản đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí. Việc bổ sung thêm thuế nhà ở sẽ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư kiệt quệ sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.
Theo tìm hiểu, các khoản thu với bất động sản hiện nay gồm thu khi xác lập và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu trong quá trình sử dụng tài sản gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất phi nông nghiệp; thu khi chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Chưa kể nhà ở là tài sản được hình thành từ nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế. Đánh thuế nhà ở đồng nghĩa đánh thuế kép trên thu nhập của người dân, có nguy cơ dẫn đến thuế chồng thuế.
Theo ông Thịnh, trước đây việc thu thuế nhà thứ hai từng được đưa ra nhưng vấp phải phản đối. "Ví dụ như một "ông" có nhà đất cả 1.000m2 thì không phải đóng thuế, "ông" khác 2 cái nhà nhưng mỗi cái 30m2 thì phải đóng thuế, thế có hợp lý không?", ông Thịnh đặt vấn đề. Nhưng nếu đưa ra loại thuế đánh vào bất động sản chưa sử dụng sẽ đạt được nhiều mục đích, tránh đầu cơ, tránh sử dụng lãng phí nguồn lực, đảm bảo cảnh quan đô thị và sẽ được nhiều tầng lớp dân cư dân cư ủng hộ.
Ông Thịnh cũng đồng tình cho rằng việc nghiên cứu sắc thuế cần xem xét, tham khảo bài học quốc tế. "Những gì người ta thấy bất cập, bỏ đi thì mình nên xem xét. Những gì gây tranh cãi thì cần thận trọng. Đưa ra những xáo động lớn lúc này là không cần thiết, đừng vội vàng đưa ra rồi lại giống như mấy năm trước", ông Thịnh nhấn mạnh cần sự thấu đáo, thận trọng khi nghiên cứu, đưa ra vấn đề thuế.
Làm cách nào để bình ổn thị trường, hạ nhiệt giá nhà?
Khi được hỏi về thuế nhà, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, với một chính sách lớn, có tác động sâu rộng tới hầu hết người dân, thông tin về chính sách cần đầy đủ, kịp thời, tránh gây bất ngờ cho người dân.
Do chưa có nội dung cụ thể nên cũng khó đoán định sẽ tác động như thế nào nhưng ông Ánh cho rằng, thuế nhà cần đặt trong tổng thể hệ thống. Nếu không thận trọng, có thể sẽ dễ dẫn tới việc "thuế chồng thuế", cùng với đó dễ phải các phản ứng trái chiều…
Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của thuế nhà ở là tăng thu ngân sách, thay vì chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường bất động sản.
Song theo ông Nguyễn Quốc Anh, vấn đề chính của thị trường bấy lâu nay là khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ. Giải pháp căn cơ để thị trường ổn định vẫn là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung.
Theo đó, nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Giải pháp này vừa giúp tạo lập một thị trường bất động sản lành mạnh, vừa giúp kéo giảm giá nhà, tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân.
Một số ý kiến lo ngại tâm lý của người Việt Nam luôn muốn sở hữu bất động sản làm cho cầu tăng cao, thêm thuế chỉ làm bất động sản tăng giá chứ ít người chịu… bỏ bớt (Ảnh: N.M).
"Để hạ giá nhà trong một khoảng thời gian ngắn thực sự không hề dễ. Về trung và dài hạn vẫn là bài toán nguồn cung. Trong đó, xử lý cả nút thắt vấn pháp lý lẫn nâng cấp hạ tầng, mở rộng đường xá để thị trường bất động sản có nhiều sự lựa chọn hơn", ông Quốc Anh nói.
Theo ông, cầu bất động sản rất lớn. Theo một khảo sát của doanh nghiệp nơi ông đang làm Phó Tổng giám đốc, tới hơn 77% người đã sở hữu bất động sản rồi vẫn muốn sở hữu bất động sản thứ hai. Trong khi đó, nguồn cung lại khan hiếm. Cần giải tỏa bớt áp lực quan hệ cung - cầu bằng việc phát triển hệ thống giao thông đường xá, tạo ra vùng lõi mới, phát triển các khu đô thị mới xa trung tâm nhưng đầy đủ hệ sinh thái, tiện ích.
Ông nhấn mạnh, cần đánh đúng vào quan hệ cung cầu thực tế, chứ không đơn thuần đánh vào "tâm lí" người mua bất động sản. Cũng không thể "đánh đồng" nhu cầu của những người muốn sở hữu bất động sản ngoại ô, bất động sản thứ hai trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay là "đầu cơ" được.
Việc hạn chế đầu cơ, theo ông Nguyễn Quốc Anh, quan trọng nhất vẫn là "nắn" dòng tiền vào sản xuất. "Không có kênh đầu tư nào hữu hiệu hơn thì người ta sẽ tìm cách đổ vào đất đai, chứng khoán. Việc "nắn" dòng tiền vào sản xuất chỉ đi kèm khi chúng ta đẩy mạnh hồi phục kinh tế, sản xuất hiệu quả trở lại chứ không đơn thuần chỉ là việc đưa ra các sắc thuế", ông nêu quan điểm.
Theo Nguyễn Khánh
Dân Trí
0 Bình luận
Gửi bình luận