Dự án đường Vành đai 4 với tổng vốn đầu tư 95.000 tỷ đồng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển thủ đô, giảm ùn tắc giao thông, theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đang phối hợp triển khai dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô với chiều dài hơn 111 km. VnExpress phỏng vấn ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, về nội dung này.
Hiện tiến độ chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô đến đâu, thưa ông?
Ngày 25/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án này. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án; đồng thời giao các đơn vị liên quan tập trung hơn nữa đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3; bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ ba trước ngày 20/3.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Thành Nguyễn
Trước đây khi còn công tác ở Bộ Tài chính, tôi có dự cuộc gặp mặt của Thủ tướng với Hà Nội và đã phát biểu, đề xuất nếu Hà Nội triển khai được vành đai 4 sẽ là động lực lớn để phát triển.
Hiện TP Hà Nội rất quyết tâm cho dự án này. Giao thông trên các tuyến chủ yếu hiện nay như đường vành đai 3 ở Hà Nội đã bắt đầu tắc nghẽn. Xây dựng vành đai 4 là đòi hỏi rất thúc bách và phù hợp với quy hoạch. Dự án này giúp khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang sẽ tăng khả năng hoàn thiện hệ thống giao thông, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 95.000 tỷ đồng, Hà Nội sẽ huy động nguồn lực để thực hiện dự án này ra sao?
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần: Số 1 là giải phóng mặt bằng do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương (trên 24.000 tỷ đồng); số 2, xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương (hơn 9.300 tỷ đồng); số 3, đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến theo hình thức PPP (đối tác công tư), khoảng 61.405 tỷ đồng.
Vốn nhà nước tham gia tại dự án chiếm 55%, vốn huy động từ nhà đầu tư chiếm 42%, chi phí lãi vay khoảng 1,5%.
Để hoàn vốn dự án PPP, tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được triển khai hệ thống thống thu phí, công nghệ ITS (điều hành, giám sát giao thông minh) và trạm dừng nghỉ. Mức phí BOT của tuyến đường được thu theo giai đoạn, với giai đoạn 2024 - 2026 xe ôtô dưới 9 chỗ là 1.700 đồng/km; giai đoạn 2027 - 2029 là 1.900 đồng/km. Thời gian thu được đề xuất dài nhất là 21 năm.
Đường vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua địa phận của ba tỉnh, thành là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đồ hoạ: Tiến Thành
Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó có nhiều tuyến chưa hoàn thành. Vì sao thành phố quyết tâm triển khai dự án đường vành đai 4?
Nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề tại sao Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính đã 14 năm mà khu vực Hà Tây trước đây, hay nói cách khác là phía Tây, phía Nam, phía Tây Bắc thủ đô còn chậm phát triển, trong khi không gian, đất đai lại vô cùng lớn, còn trong nội đô thì tắc đường suốt. Vành đai 4 mở rộng không gian phát triển để thu hút đầu tư, từng bước giảm chênh lệch phát triển giữa khu vực Hà Nội ngày trước và Hà Nội mới bây giờ.
Điểm khác giữa đường vành đai 3 hiện nay và đường vành đài 4 trong tương lai là ở chỗ khi làm quy hoạch đường vành đai 4 thì làm luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu để giữ đất.
Với các đường vành đai khác, thành phố vẫn đang thúc đẩy triển khai đúng kế hoạch. Theo các đồ án quy hoạch liên quan đã được Thủ tướng phê duyệt, hệ thống đường vành đai của thành phố Hà Nội có tổng số 7 tuyến vành đai với tổng chiều dài trên địa bàn thành phố (285,46Km). Trong đó 5 tuyến vành đai chính (VĐ1; VĐ2; VĐ3; VĐ4 và VĐ5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5).
Việc triển khai đường vành đai 4 và tiếp tục thực hiện các vành đai còn lại tạo sự đồng bộ cho mạng lưới giao thông thủ đô, giúp giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khánh thành hồi tháng 1/2021. Ảnh: Ngọc Thành
Cùng với triển khai vành đai 4, định hướng hạ tầng giao thông của thủ đô năm 2022 và những năm tới như thế nào?
Hà Nội đang cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong đó có định hướng quy hoạch xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, trong đó khu phía dưới là trung tâm tài chính, phía trên là công nghiệp, quanh sân bay Nội Bài là dịch vụ logistic. Thành phố thứ hai là Xuân Mai và Hoà Lạc sẽ thông nhau với lõi là công nghệ cao, giáo dục và đào tạo.
Việc phát triển các "thành phố trong thành phố" và triển khai quy hoạch 5 đô thị vệ tinh theo quy hoạch trước đó (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên) đòi hỏi phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông khung kết nối các thành phố, đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm thông qua các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai và các cầu vượt sông.
10 cầu vượt sông sẽ được xây dựng mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Với đường sắt đô thị, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao vào cuối năm 2022; khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (do thành phố đầu tư).
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài ra, Hà Nội đang đề xuất, quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam thông sang Hà Nam để tận dụng phát triển lợi thế hiện nay của các huyện Phú Xuyên, Thường Tín thành trung tâm trung chuyển, logistics, dịch vụ...
Có thể nói, các công trình giao thông trong đó có tuyến Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới của thủ đô trong những năm tới, đồng bộ và hiện đại.
Tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài 111,2 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể: Đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh).
Quy mô 6 làn xe cao tốc; hệ thống đường song hành hai bên; hành lang bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt vành đai. Tốc độ thiết kế 100 km/ giờ.
Về tiến độ dự kiến, năm 2021 – 2023 chuẩn bị dự án; 2023 – 2024 giải phóng mặt bằng; Năm 2024 – 2028 thi công. Tổng mức đầu tư trên 95.000 tỷ đồng, bằng hình thức PPP (đối tác công tư).
Theo Võ Hải
VnExpress
0 Bình luận
Gửi bình luận